Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:
Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị sửa đổi các điều khoản còn vướng mắc, xung đột giữa các luật trong lĩnh vực đầu tư
Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT) đã có nhiều ý kiến đóng góp một số nội dung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất với tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra liên quan đến dự thảo luật này.
Về một số nội dung cụ thể, tại khoản 6 Điều 2 dự thảo luật về bổ sung vào cuối điểm a khoản 3, Điều 33 của Luật Đầu tư về việc đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị và nông thôn khi thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư có quy định. Đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của các dự án đầu tư với quy hoạch phân khu.
Trường hợp dự án được đề xuất tại một khu vực không phải lập, hoặc đang triển khai lập quy hoạch đô thị phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, hoặc quy hoạch phân khu theo điều chỉnh và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh chụp màn hình) |
Đại biểu cho rằng, theo nội dung dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư thì đã bổ sung, hoặc xác định cụ thể cấp độ quy hoạch đô thị để làm cơ sở thẩm định đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư đối với các khu vực thuộc đô thị, các loại đô thị. Tuy nhiên, chưa xác định cụ thể đối với các dự án ở khu vực nông thôn được đánh giá phù hợp theo cấp độ quy hoạch nào, quy hoạch chung hay là quy hoạch chi tiết.
Đại biểu nêu rõ, trên thực tế, dự án được đầu tư ở khu vực đô thị, hoặc nông thôn cần phù hợp với quy hoạch đô thị, hoặc quy hoạch nông thôn, hoặc quy hoạch khu chức năng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi điểm a, khoản 3, Điều 33 của Luật Đầu tư theo hướng sẽ cập nhật, bổ sung các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng phù hợp, thống nhất với dự thảo luật quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Đồng thời xác định chủ thể về cấp độ của từng loại quy hoạch để làm cơ sở thẩm định, đánh giá sự phù hợp của hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án.
Liên quan đến thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, đại biểu thông tin: Một số dự án khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc theo pháp luật đầu tư. Cụ thể tại khoản 4 Điều 33, Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó có quy định: Nhà đầu tư dự án BT không phải thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và ký quỹ theo pháp luật về đầu tư để thực hiện dự án khác. Theo quy định này, hợp đồng dự án không quy định thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Và tại khoản 2 của Điều 122 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định: Hợp đồng dự án BT thì không quy định dự án khác phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; trường hợp chưa nộp hồ sơ thì thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư. Điều này cũng được quy định tại Điều 114 và điểm a khoản 4 của Điều 115 của Nghị định thì cũng có một số khó khăn, vướng mắc trong việc không phải thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện khoản 2 Điều 122 của Nghị định số 31 cũng gặp vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về nhà ở. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 170 của Luật Nhà ở quy định: Đối với dự án xây dựng nhà ở khác thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật đầu tư thì thực hiện theo quy định của luật đầu tư; đối với dự án khác không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo luật đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên tại Điều 33 của Luật Nhà ở năm 2023 thì có quy định yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại khoản 1, Điều 30 của luật này phải bảo đảm tuân thủ nội dung của chủ trương đầu tư đã được quyết định hoặc chấp thuận.
Ngoài ra, tại các điều khoản khác của Luật Nhà ở thì yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện theo nội dung của chủ trương đầu tư như trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng sau đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng… Do đó, dự án khác là dự án nhà ở cần thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư để có cơ sở để quản lý, giám sát dự án theo các nội dung quy định của Luật Nhà ở 2023.
Còn tại Luật Đất đai 2024 thì không có quy định riêng về giao đất, cho thuê đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hợp đồng BT, thực hiện dự án khác…
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phiên thảo luận tổ. (Ảnh chụp màn hình) |
Đại biểu nêu rõ, trên thực tế có thể thấy rất là nhiều vướng mắc như vậy, do đó đề nghị nghiên cứu bổ sung, luật hóa để giải quyết vướng mắc này, hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 122 của Nghị định số 31 của Chính phủ theo hướng: Đối với dự án khác phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, quá trình triển khai, tỉnh Đắk Lắk cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc: Do nhiều nguyên nhân phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án như việc điều chỉnh cơ cấu các khoản chi phí làm tăng tổng mức đầu tư dự án; thời gian thực hiện dự án kéo dài, phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thì cũng gặp những khó khăn, vướng mắc... Cho nên các nhà đầu tư có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tại Điều 18 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Tuy nhiên theo quy định tại điểm c, khoản 5 Điều 101 của Luật Đầu tư theo phương thức công tư thì dự án BT đã ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành thì việc triển khai thực hiện dự án thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng liên quan đến thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh báo cáo, nghiên cứu khả thi… đã hết hiệu lực thi hành, hoặc được điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa được xử lý chuyển tiếp nên chưa có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh…
Đại biểu đề nghị điều chỉnh bổ sung nội dung khoản 5, Điều 101 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm đảm bảo đủ cơ sở pháp lý thuộc trường hợp quy định chuyển tiếp, thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở pháp lý thực hiện điều chỉnh các nội dung dự án theo quy định.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc