Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Nâng cao năng lực, trang thiết bị y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên

08:24, 25/10/2024

Chiều 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự án Luật Dữ liệu. Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận tại Tổ 13 với nhiều ý kiến đóng góp xây dựng hoàn thiện hai dự án luật này.

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Y Vinh Tơr (Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) đề nghị tại điểm o, khoản 3, Điều 12, dự thảo quy định là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu đề nghị, để đảm bảo độ bao phủ, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm là người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi theo quy định hiện nay, có những địa bàn chỉ có thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không phải quy mô toàn xã. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng là người dân đang sinh cư trú tại các địa bàn xã, thôn ở khu vực biên giới đất liền. Vì những vùng này vẫn còn rất nhiều khó khăn…

Về vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% của chi phí theo phạm vi mức hưởng sẽ tạo sự bất cập, làm tăng số lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh; giảm lượng khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có chính sách để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến cơ sở cả về nhân lực, trang thiết bị để giảm áp lực cho các tuyến trên.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân thông tin thêm: Theo số liệu báo cáo, tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ chỉ chiếm 92,9%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường bệnh của trạm y tế) là 28,5 giường bệnh, ở tuyến tỉnh có 2.430 giường bệnh; tuyến huyện là 2.430 giường bệnh. Đại biểu cho rằng, việc nâng cao năng lực, trang thiết bị cho y tế cơ sở sẽ tốt hơn là việc cho thông tuyến lên trên, vì việc đi lại và di chuyển rất vất vả và tốn nhiều chi phí. Mặc dù điều kiện tuyến trên tốt hơn; tuy nhiên nếu đầu tư ngay tại cơ sở thì sẽ giảm tải áp lực đối với tuyến trên và cũng phát huy hiệu quả y tế cơ sở.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đối với khoản 1, Điều 1 của dự thảo luật về bổ sung một số khoản của Điều 2 về giải thích từ ngữ: Tại khoản 10, Điều 2 quy định, trốn đóng BHYT là hành vi của người sử dụng lao động, không đóng hoặc là đóng không đầy đủ BHYT cho người lao động, trừ các trường hợp có lý do chính đáng theo quy định của Chính phủ. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trường hợp như thế nào là có lý do chính đáng để thống nhất với các luật khác, tránh trường hợp có những cách hiểu khác nhau…

Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật liên quan như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ… để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, nhất là định nghĩa về dữ liệu và phân loại dữ liệu cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về dữ liệu video trong nội dung luật. Đại biểu nêu rõ: Thực tế cho thấy các nội dung và các video trên các nền tảng như Tiktok, Zalo, Facebook… đang tác động rất lớn đến thái độ, tâm lý, ứng xử của giới trẻ, vì vậy rất cần nghiên cứu, bổ sung quy định đối với dạng dữ liệu này.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về việc xử lý dữ liệu cá nhân; trong đó, để đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần có quy định yêu cầu mọi tổ chức phải xin phép và được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trước khi thu thập, xử lý hoặc chia sẻ thông tin cá nhân.

Liên quan đến sàn giao dịch dữ liệu tại Điều 53, đại biểu tán thành và ủng hộ với việc đề xuất của Bộ Công an về cấp phép thành lập sàn giao dịch dữ liệu. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây là vấn đề khá mới, nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để thí điểm, triển khai thực hiện sàn giao dịch dữ liệu cho đảm bảo; bởi thực tế có thể sẽ phát sinh những vấn đề mà không thể lường trước được.

Đối với việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của địa phương với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do bộ, ngành trung ương triển khai, đại biểu cho rằng, trên thực tế vẫn còn có sự chồng lấn, chưa được tương thích và giảm hiệu quả của việc khai thác, sử dụng dữ liệu, nhất là những dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải bảo đảm tính đồng bộ từ trung ương đến địa phương; đồng thời quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong việc đồng bộ và lưu trữ dữ liệu…

Thảo luận, đóng góp vào dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) cho rằng, Luật Dữ liệu là một luật mới và việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển chính phủ số và cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu là rất cần thiết và đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đại biểu cho rằng, quy định về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia có tác động lớn không chỉ đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội mà còn cả đối với cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu nêu rõ, hiện nay cũng đã có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tại các luật hiện hành đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong đó có một số hệ thống dữ liệu đang được phát triển và quản lý trong các luật chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước như cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, về đối tượng trợ giúp xã hội, về người hưởng chính sách ưu đãi, người có công, cơ sở dữ liệu lao động và thị trường lao động, về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, nhân lực, y tế.

Đại biểu đề nghị tiếp tục ban soạn thảo nghiên cứu, thuyết minh làm rõ sau khi luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý để bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật theo quy định của luật này. Cùng với đó, cần đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động này; quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đối với Chương 4 về Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cơ bản nhất trí với các quy định trong dự thảo luật. Việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia để quản lý, tập trung, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin và tiết kiệm nguồn lực, đầu tư cho chuyển đổi số một cách trọng tâm, trọng điểm là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng cần rà soát, làm rõ hơn về cơ cấu, tổ chức hoạt động của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia. Ngoài ra, việc tập trung khối lượng lớn thông tin dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu Quốc gia bên cạnh những ưu điểm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc lộ, lọt, mất an toàn thông tin. Do vậy đại biểu đề nghị có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó giải quyết những vấn đề có thể phát sinh…

Bên cạnh đó, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến giải thích từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ để đảm bảo rõ ràng, thống nhất cách hiểu về cùng một khái niệm, cô đọng các nội dung, không cần thiết phải quy định những khái niệm, thuật ngữ đã rõ, có cách hiểu và áp dụng, thống nhất hoặc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.