Multimedia Đọc Báo in

Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng đến khát vọng vươn mình trở thành thủ phủ vùng Tây Nguyên

13:03, 26/10/2024

Có vị trí chiến lược trọng yếu và là động lực phát triển vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là vùng đất khắc ghi nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng, nơi hội tụ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên - Trường Sơn. Kế thừa những tinh hoa, giá trị văn hóa, truyền thống và dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, bản sắc, văn minh, hạnh phúc.

*Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện Trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Đắk Lắk, Tây Nguyên là những hợp phần không thể tách rời của lịch sử Việt Nam

 

Tây Nguyên là vùng đất cổ xưa nhất nhưng lại dự nhập muộn nhất vào lãnh thổ Việt Nam. Do những cách trở về điều kiện địa lý, những khác biệt trong đặc trưng lịch sử và văn hóa, vùng đất Tây Nguyên gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài suốt nhiều thế kỷ.

Trong tiến trình hình thành và phát triển của các quốc gia cổ đại ở khu vực Đông Nam Á, vùng đất Tây Nguyên tiến triển chậm hơn và dần bị tụt lại phía sau. Trong suốt giai đoạn từ giữa thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa các tộc người ở Tây Nguyên với chính quyền Đại Việt - Đại Nam luôn được duy trì trong trạng thái hòa bình, hữu hảo, gần như không có tranh chấp hay xung đột. Khoảng cuối thế kỷ XIX, miền Tây Nguyên lại trở thành vùng đất bị tranh chiếm bởi Xiêm La, Lào, sau đó là Pháp. Khi đã chiếm được Tây Nguyên, chính quyền thực dân đã cắt vùng đất này thuộc Lào, mãi đến đầu thế kỷ XX mới trả về thuộc Việt Nam.

Lần lượt các tỉnh Đồng Nai Thượng (lập năm 1899), Đắk Lắk (1904), Kon Tum (1913), Pleiku (1932) được thành lập, trở thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Việt Nam. Đó là sự thống nhất về mặt hành chính, tiếp sau sự hợp nhất về lãnh thổ của vùng đất Tây Nguyên vào Việt Nam.

Với quá trình sáp nhập đất đai vào lãnh thổ Việt Nam, ý thức về quốc gia, dân tộc của các cộng đồng người ở Tây Nguyên đã nhanh chóng được hình thành. Từ đây, trong quan hệ với người Việt và tất cả các tộc người khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào Tây Nguyên nhận thức rõ về kẻ thù chung, cùng nhau đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ XX, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra hàng loạt các cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu như: Khởi nghĩa N’Trang Gưh, khởi nghĩa Ama Jhao, cuộc đấu tranh của Ôi H’Mai và MaDla, phong trào đấu tranh chống Pháp của giới công chức và viên chức Buôn Ma Thuột, khởi nghĩa của N’Trang Lơng… Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã một lòng tin vào Đảng, tin theo Bác Hồ, cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Sự dự nhập của vùng đất Tây Nguyên vào dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam rõ ràng muộn hơn so với các vùng đất khác, trải qua một hành trình lâu dài đầy gian khó và phải “đi đường vòng”. Song dù vậy, từ xa xưa và suốt chiều dài lịch sử, các cộng đồng người Tây Nguyên đã sớm có những mối quan hệ tốt đẹp với người Việt. Khi cùng chung lãnh thổ đất nước, chung kẻ thù ngoại xâm, ý thức về quốc gia, dân tộc của người dân Tây Nguyên đã nhanh chóng được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Họ đã cùng người Việt và tất cả các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam đoàn kết một lòng đánh đuổi ngoại bang, giành lại độc lập, thống nhất đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Dưới tiếp cận toàn bộ, toàn diện, vùng đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là những hợp phần không thể tách rời của lịch sử Việt Nam.

*Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự:

Chiến thắng Buôn Ma Thuột - dấu mốc bản lề trong hành trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk

 

Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột thắng lợi đã mở ra thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thể hiện sự lãnh đạo hết sức sáng tạo, tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh. Đó là thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Quân và dân Đắk Lắk tự hào đã trực tiếp góp phần to lớn vào chiến công lịch sử này. Để có được chiến công đó, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc của tỉnh đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, phối hợp với bộ đội chủ lực trong từng trận đánh. Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, lực lượng vũ trang Đắk Lắk đã nắm bắt thời cơ và phát huy thắng lợi trực tiếp của hoạt động quân sự, phối hợp kịp thời với quân chủ lực, phát động cao trào tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của địch, đập tan bộ máy kìm kẹp, giải phóng nông thôn.

Quần chúng đã phối hợp chặt chẽ và dẫn đường cho bộ đội địa phương, đặc công, biệt động, quân chủ lực đánh chiếm các mục tiêu; giành được chính quyền cơ sở, phá kìm kẹp, đồn bốt, chiếm kho xưởng, công sở, giữ gìn máy móc không để cho quân địch phá hoại trước khi rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào ngày 24 tháng 3 năm 1975.

Đây là sự kiện hết sức quan trọng, có tính chất bản lề, đánh dấu chấm dứt thời kỳ đồng bào các dân tộc Đắk Lắk bị đô hộ, kìm kẹp, mang lại cuộc sống hòa bình, tự do, phát huy quyền làm chủ góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Gần 50 năm sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng đấu tranh, khắc phục mọi khó khăn, vượt quan gian khổ, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh; từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền các cấp; đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO, đập tan các hành động xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; phấn đấu vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội; thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, cùng cả nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

*Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh:

Tập trung toàn lực giải quyết công tác an sinh xã hội sau giải phóng

 

Lúc mới giải phóng, tỉnh Đắk Lắk có phạm vi rộng lớn, bao gồm cả tỉnh Đắk Nông, bao gồm cả tỉnh Đắk Nông, một phần của tỉnh Phú Bổn cũ (nay thuộc phía nam tỉnh Gia Lai). Diện tích tự nhiên là 19.300 km2. Dân số toàn tỉnh là 33 vạn người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 50%. Trước muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung triển khai ngay những giải pháp cấp bách nhằm chống và cứu đói cho dân, khẩn trương khai hoang, cày cuốc, đẩy mạnh sản xuất.

Toàn tỉnh đã diễn ra rầm rộ phong trào “Khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, định canh định cư và xây dựng vùng kinh tế mới”, với khẩu hiệu “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là mục tiêu số một”. Thực hiện chủ trương đó, toàn tỉnh như một công trường lớn, từ tỉnh đến các huyện, xã ở đâu cũng có công trường, từ lớn đến nhỏ, “đến đâu gặp người dân cũng nói tới cụm từ "đi công trường" như công việc thường ngày”.

Trong 5 năm từ 1975-1980 tỉnh ta đã mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ lên đến gần 60.000 ha và xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi lớn, nhỏ khắp trong toàn tỉnh, tiêu biểu như: hồ Buôn Triết (huyện Lắk), hồ Ea Kao (Thị xã Buôn Ma Thuột), hồ Krông Búk Hạ (huyện Krông Pắc), hồ Doãn Văn (Đắk Nông), hồ Ea Súp, Ea Nhái, Ea Kuang...

Tỉnh cũng đẩy mạnh định canh, định cư cho người dân với kết quả sau 10 năm đã định canh định cư được gần 25.600 hộ với gần 137.500 nhân khẩu, gần 44.500 lao động. Trong đó đã đưa vào khu vực nông, lâm trường quốc doanh 14.500 lao động, xây dựng hình thức kinh tế tập thể gần 100 nghìn nhân khẩu với gần 30.000 lao động. Cùng với các nỗ lực xây dựng mạng lưới y tế, giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế đã tạo nên những kết quả quan trọng về mọi mặt, làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà trong những giai đoạn tiếp theo.

* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản:

Đắk Lắk từng bước vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên 

 

Ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, kiến tạo nền tảng, định hướng phát triển cho vùng Tây Nguyên; hướng tới mục tiêu xây dựng Đắk Lắk sớm trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Theo thời gian, tỉnh Đắk Lắk thay da đổi thịt từng ngày, khoác lên mình một diện mạo mới, dần trở thành địa phương có kết quả phát triển đáng khích lệ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên; là điểm đến hấp dẫn cả trong du lịch, nghỉ dưỡng lẫn lập nghiệp, làm ăn của nhân dân mọi miền đất nước.

Để khơi thông nguồn lực sẵn có, khai thác sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững vị thế, phát triển ngày càng bền vững, bản sắc trong tương lai, tỉnh Đắk Lắk cần kiên quyết, kiên trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua bốn trụ cột tăng trưởng chính: phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ - logistics - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xứng đáng với khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh của người cộng sản vì dân vì nước; tránh tâm lý sợ sai, sợ mất lòng, co cụm, đối phó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu...

Đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực, như giáo dục, khoa học, du lịch, nghệ thuật, nông nghiệp.

* Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm:

Không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng

 

Đắk Lắk, quê hương của chàng Dũng sĩ Đam San “đầu đội khăn kép vai mang túi da”, của nhịp ching knah ầm ào như sóng sông Sêrêpốk, của tiếng Đing Năm dặt dìu theo điệu hát Ayray Đắk Lắk, có tầng thẳm sâu văn minh nương rẫy, là một trong 5 địa chỉ của “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông & Lâm Đồng), được UNESCO ghi danh lần thứ 2 là “Không gian Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại”. Trong không gian ấy tiềm ẩn bao nhiêu vẻ đẹp của văn hóa cổ truyền các dân tộc đang cùng nhau chung sống.

Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em đang cùng cộng cư. Là tỉnh có đông dân tộc nhất Tây Nguyên. Trong đó 45/49 tộc người có nguồn gốc miền núi. Hai dân tộc tại chỗ đông dân cư trú tập trung là Êđê và M’nông. Ngoài sự đồng nhất về tôn giáo thực hành đa thần vạn vật hữu linh, thì cùng có phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng gong ching hoặc còn gọi là ching chêng, song hành cùng lễ nghi và sinh hoạt, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa to lớn rất đáng trân trọng.

Riêng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thời gian đầu tập trung chú trọng nhiều ở công tác gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng (công tác tuyên truyền; nghị quyết cấm mua bán cồng chiêng; phục dựng các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, làm phim, làm sách về cồng chiêng…), hiện nay công tác gìn giữ, bảo tồn di sản đã và đang dần mở rộng tới tôn tạo bến nước, nhà dài, nghề thủ công... nghĩa là tới môi trường diễn xướng của cồng chiêng Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1270-QĐ/TTg, ngày  27/7/2011 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm về công tác giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa.

Năm 2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk ra Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2021, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 10/2021/NQHĐND về “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025”. Đây là giai đoạn ngành Văn hóa Đắk Lắk đã triển khai được nhiều hoạt động cụ thể liên quan đến gìn giữ, bảo tồn & phát huy giá trị của Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một cách thiết thực.

Từ đề xuất chủ trương, chính sách, đến thực hiện, tổ chức hoạt động, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, có sự thực hiện một cách bài bản của các ngành chức năng và đã khởi sắc. Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, Ngày hội Văn hóa các dân tộc thường niên, đều có từ cấp huyện đến cấp tỉnh, là dịp để văn hóa truyền thống các dân tộc được khơi gợi, khoe tài, phục hồi và phát huy. Công tác truyền dạy, sưu tầm, biên tập sách ảnh di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk được đặc biệt quan tâm, lễ hội được phục hồi…         

Đặc biệt, ý thức tự nguyện tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư DTTS đã được nâng lên, nhất là nhằm phục vụ các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang mỗi lúc một phát triển. Di sản văn hóa đã bước đầu tạo thêm nguồn thu nhập kinh tế, ngoài nông nghiệp.

Đã có rất nhiều nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước cũng như địa phương về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS. Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản phi vật thể làm kim chỉ nam, chắc chắn Đắk Lắk sẽ làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản.

Tuy nhiên, để di sản văn hóa cổ truyền không bị biến dạng, được bảo tồn và phát huy những giá trị và các loại hình tốt đẹp, cần sự chung tay của rất nhiều cơ quan, đoàn thể, tôn giáo lẫn cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân.

Lê Hương - Đinh Nga

(thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng
​​​​​​​Đắk Lắk là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Vùng đất này là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và các phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh đi trước, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta.