Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

08:25, 05/11/2024

Với 35 dân tộc anh em cùng chung sống và hơn 36% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Krông Pắc luôn chú trọng xây dựng, chăm lo cho đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, tạo động lực để họ phát huy vai trò là “cầu nối” trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống ấm no, văn minh, tiến bộ.

Dân vận khéo bằng uy tín và trách nhiệm

Buôn Ea Su (xã Ea Phê) được thành lập gần 20 năm qua từ Chương trình 134, giãn dân cho các buôn đồng bào DTTS. Hơn 100 hộ dân ở buôn Ea Su ngày ấy đều là gia đình trẻ của những thanh niên độ tuổi đôi mươi, trong đó có gia đình anh Y Yônas Niê. Anh bộc bạch, những năm đầu, gia đình anh gặp không ít khó khăn nhưng luôn nỗ lực trong xây dựng cuộc sống mới. Từ chỗ trồng hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài” vợ chồng anh dần chuyển sang canh tác cà phê kết hợp với chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững. Đến nay, kinh tế gia đình anh đã khấm khá, các con đều được chăm lo học hành. Anh cũng được kết nạp vào Đảng, sau đó làm bí thư chi bộ buôn và được bà con bầu chọn là người có uy tín hơn 4 năm qua.

Bà Mộng Thị Hường tích cực tham gia ý kiến tại các hội nghị đối thoại.

Từ hiệu quả sản xuất của gia đình, anh Y Yônas thường xuyên vận động người dân tham gia các lớp tập huấn, phát triển trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Anh cũng đặc biệt quan tâm đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nắm bắt tâm tư, động viên họ mạnh dạn đăng ký vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để phát triển chăn nuôi bò, xây dựng nhà ở.

Nhờ những thay đổi về nhận thức cùng “trợ lực” từ các chính sách dành cho buôn đặc biệt khó khăn, người dân buôn Ea Su đã không ngừng nỗ lực xây dựng đời sống, phát triển kinh tế.

Đến nay, toàn buôn chỉ còn 33 hộ nghèo với mức giảm bình quân 5 hộ nghèo/năm. Hệ thống chính trị của buôn ngày càng được củng cố và phát huy. Từ chỗ “trắng” đảng viên những ngày đầu thành lập buôn, đến nay, chi bộ buôn đã có 7 đảng viên với 5 đảng viên là người DTTS tại chỗ.

Gần 20 năm làm bí thư chi bộ và người có uy tín, bà Mộng Thị Hường (thôn Cao Bằng, xã Ea Yông) được người dân quý mến bởi không chỉ nhiệt tình trong mọi hoạt động, phong trào mà còn là chỗ dựa tin cậy về tinh thần của cộng đồng.

 

“Huyện sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn để đội ngũ người có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền miệng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia tích cực vào việc thực hiện Đề án 07 của Tỉnh ủy để góp phần giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, thay đổi cách nghĩ cách làm, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh.

Thôn Cao Bằng hiện có hơn 200 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Tày, Nùng di cư từ phía Bắc vào làm ăn, sinh sống. Với uy tín của mình, bà Hường luôn nhiệt tình vận động người dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn; động viên lớp trẻ thực hiện nếp sống văn minh.

Qua vận động của bà Hường cùng hệ thống chính trị ở cơ sở, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng trăm ngày công để bê tông hóa nhiều tuyến đường nội thôn; góp kinh phí xây dựng hội trường thôn, quỹ khuyến học. Khi có vấn đề phát sinh ở cơ sở, người dân thường chủ động tìm đến để nghe bà giải thích, hóa giải mọi việc. Nhờ đó, nhiều năm qua, trong thôn không có người vi phạm pháp luật, an ninh trật tự luôn ổn định.

Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc Phạm Hồng Thái cho biết, toàn huyện  hiện có 95 người uy tín trong đồng bào DTTS, với 25 người là đảng viên. Thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện luôn quan tâm thực hiện các chính sách đối với người có uy tín.

Huyện đã triển khai nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức các đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi, động viên mỗi dịp lễ, tết hoặc khi ốm đau; tặng điện thoại thông minh, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, vận động…

Các hoạt động luôn có sự đổi mới về nội dung, hình thức, gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán của từng cộng đồng DTTS. Huyện cũng tạo điều kiện, động viên để người có uy tín vượt qua các rào cản như không thích đi xa, e ngại khi đến giao lưu, học hỏi ở các vùng đất mới, cộng đồng mới.

Đặc biệt là trong hoạt động học tập kinh nghiệm ở ngoài tỉnh, huyện chú trọng lựa chọn lịch trình, địa điểm có ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử, khơi gợi lòng tự hào dân tộc; giúp người có uy tín thấy được sự đổi thay của quê hương, đất nước, học hỏi những kinh nghiệm hay của người có uy tín ở các địa phương khác.

Người có uy tín huyện Krông Pắc chia sẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đơn cử như chuyến công tác vào đầu năm 2024, huyện có 31 người có uy tín tiêu biểu đã đến tham quan nhiều di tích lịch sử tại tỉnh Quảng Trị, được học hỏi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động của người có uy tín cùng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở tỉnh bạn.

Là một thành viên của đoàn, anh Y Yônas Niê chia sẻ, chuyến đi đã giúp anh thêm hiểu về bề dày lịch sử và quá trình đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập của dân tộc. Anh cũng thấy được sự phát triển của các địa phương khác, soi chiếu vào các hoạt động kinh tế - xã hội của buôn mình, xã mình để chuyển tải đến bà con, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, động viên bà con chăm lo xây dựng đời sống, cảnh giác trước mọi luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc