Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Hạn chế tình trạng đầu tư đất đai, thu gom đất nông nghiệp

14:03, 21/11/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng 21/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết của việc xây dựng nghị quyết như tờ trình của Chính phủ. Việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết này sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhiều ý kiến thống nhất theo tờ trình là áp dụng phạm vi trong toàn quốc. Tuy nhiên, nêu thực trạng thời gian qua tình hình bất động sản diễn biến phức tạp, đại biểu chỉ ra trên thực tế có những trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng nhưng bị sai phạm mà không hợp thức hóa, rất lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Một số ý kiến khác cho rằng, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là chính sách có nhiều tác động đến việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; kết quả đầu ra của cơ chế thí điểm là những dự án nhà ở thương mại, vì vậy có thể để lại những hậu quả không thể khắc phục, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và nhà đầu tư do đó cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng khi xác định phạm vi thí điểm, hạn chế tình trạng đầu tư đất đai, thu gom đất nông nghiệp.

Một số đại biểu đề nghị thiết kế một điều riêng về quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản và một số nguyên tắc cần phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, không được vi phạm các quy định dẫn đến đầu cơ, tăng giá. Khi nghị quyết thông qua cũng cần có những nguyên tắc để có một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tạo ra sốt đất, vi phạm pháp luật.

Liên quan tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, dự thảo nghị quyết quy định dự án thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn xung quanh mức 30% mà Chính phủ đưa ra.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Chỉ ra thực tế tại nhiều địa phương, nhà ở thương mại được xây dựng rất nhiều, không ít khu nhà ở thương mại xây xong không có người ở. Trong khi đó, người dân có nhu cầu thực sự là nhà ở xã hội thì nguồn cung lại có quá ít. Công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần, 7 lượt để mong muốn mua một ngôi nhà ở thương mại là rất khó.

Đại biểu đề nghị nên áp dụng cơ chế trong Nghị quyết này với cả nhà ở xã hội; đồng thời đề nghị quan tâm xem xét đến thực trạng thị trường bất động sản, nhu cầu thực tế của người dân về nhà ở để tháo gỡ đúng và trúng những vướng mắc hiện tại.

Liên quan đến diện tích đất quốc phòng, an ninh trong dự thảo nghị quyết, đại biểu đề xuất tách nội dung này ra một nghị quyết riêng chuyên về thí điểm nhà ở thương mại dành cho lực lượng vũ trang, nằm trong thí điểm phát triển nhà ở thương mại nói chung thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tổ chức đánh giá, khảo sát nhu cầu sử dụng đất làm nhà ở nói chung và nhu cầu sử dụng nhà ở thương mại nói riêng trong lực lượng quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội quy định hợp lý, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, phù hợp với nhu cầu và hiệu quả trên thực tế…

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu cũng thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.