Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân sách
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật).
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và trong việc thi hành pháp luật thời gian qua.
Góp ý về việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước, đại biểu cho biết, trong hồ sơ, Chính phủ trình kèm theo các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách nên Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, không luật hóa nghị định, thông tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, cần cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính, ngân sách, có thể rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan, sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung về chuyển nguồn ngân sách, hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, các quy định về vay vốn nước ngoài, quỹ tài chính trong và ngoài ngân sách để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật, hoàn thiện các chính sách đặc thù.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Điều 60 về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập theo hướng, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định của luật này, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, vì đã bao quát được việc xử lý đối với vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, với khoản 2 Điều 60 quy định mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm, đại biểu cho rằng có nhiều điểm chưa phù hợp. Đại biểu đồng tình cần tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt để đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung đối tượng, đối tượng thực hiện kiểm toán độc lập, đó là kiểm toán báo cáo tài chính năm như đối với các đơn vị sự nghiệp công lập loại I, loại II để kịp thời giúp các đơn vị này cung cấp thông tin tài chính cho các cơ quan, các bên liên quan trung thực, hợp lý, tránh các sai sót, nhầm lẫn. Ngoài ra, việc kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm sẽ đảm bảo tính thường xuyên, kịp thời tư vấn, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành.
Về Luật Ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn, còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự thống nhất và tính khả thi trong thực tiễn. Luật Đầu tư công (sửa đổi) đặt mục tiêu tăng cường tính khoa học và hiệu quả trong quản lý đầu tư công, đồng thời bảo đảm cân đối tài khóa.
Việc quy định chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo cơ chế linh hoạt cho việc bố trí vốn bổ sung sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí, thất thoát vốn và đảm bảo các dự án đầu tư được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: quochoi.vn |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các đại biểu đã tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, việc thông qua dự án luật tại kỳ họp này, sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc