Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:
Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư
Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Các đại biểu đánh giá báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề, sát với tình hình thực tiễn, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách, thực tế đang vướng mắc; những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và các quy định độc lập, không làm phát sinh sửa đổi ở các luật khác, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được xây dựng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu cho biết, dự thảo luật có nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu để quy định mua thuốc cho bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập. Tuy nhiên, nếu sửa như trong dự thảo là áp dụng “mua sắm trực tiếp” thì chưa thể tháo gỡ khó khăn đối với việc tổ chức mua sắm tại các cơ sở y tế, nhất là mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc cho Nhà thuốc bệnh viện.
Theo đại biểu, mua sắm trực tiếp không phải là “áp giá”; trong các quy định về đấu thầu không có hình thức áp giá. Còn mua sắm trực tiếp là một hình thức lựa chọn nhà thầu, nên vẫn cần phải thực hiện các quy định trình tự của việc lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất, đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Bất cập là thời gian các bước không thể cắt ngắn hơn, trong khi nhà thuốc bệnh viện phục vụ không chỉ người bệnh nội trú mà bao gồm cả người bệnh ngoại trú, người nhà.... Bên cạnh đó, hiện tại chưa có mẫu hồ sơ yêu cầu đối với hình thức mua sắm trực tiếp.
Đại biểu cũng nêu rõ, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế, nên nếu giá hàng hóa được bán tại đây bao gồm cả chi phí tổ chức đấu thầu và chi phí các loại thuế phí của cơ sở kinh doanh thì sẽ bị tính trên giá thành sản phẩm, khiến người dân phải chịu chi phí tăng thêm này. Mặt khác, đơn vị công lập tự chủ còn có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ khác như căng tin, tạp hóa... vậy nếu áp dụng phạm vi Điều 2 Luật Đấu thầu thì các sản phẩm, hàng hóa tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Chính vì vậy đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu như sau: Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua hàng hóa để bán lẻ (bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập), cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Thảo luận về việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi các dự án kêu gọi PPP nhìn chung đều khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít..., còn các dự án thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều thì đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng cho biết, các dự án PPP được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu có thể dẫn đến rủi ro cho nhà nước nhiều hơn, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án để có hiệu quả cho nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư.
Thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu nêu rõ, mặc dù trong dự thảo Luật Quy hoạch đã bổ sung Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuy nhiên, quy định này sẽ không phù hợp với một số trường hợp khi cần điều chỉnh ngay trong nội bộ một khu vực quy hoạch (như thay đổi, chỉnh lý tên khu vực khoáng sản, tên loại khoáng sản, tài nguyên, trữ lượng, tọa độ điểm khép góc...) hoặc khi cần điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất khoáng sản được tích hợp trong quy hoạch tỉnh (ví dụ như trường hợp một số mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần huy động gấp để phục vụ thi công dự án đường cao tốc, dự án đầu tư công khẩn cấp…).
Nhấn mạnh việc điều chỉnh cục bộ cần thủ tục đơn giản, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề nghị tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi 4 Luật cần xem xét, bổ sung nội dung về điều chỉnh cục bộ quy hoạch (như quy hoạch khoáng sản) được thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến xác đáng đã nêu. Việc sửa đổi các luật bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể là bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời khuyến khích sáng tạo, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chuyển phương thức quản lý mạnh về tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, đã nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: quochoi.vn |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giải phóng và huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu đã tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, việc thông qua dự án luật tại Kỳ họp này, tính cấp thiết phải sửa đổi một số điều, khoản trong luật, tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc