Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:
Tiếp tục bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước
Chiều 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; KT-XH nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển KT-XH vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức mua trong nước tăng chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; lãng phí trong xây dựng tài sản công, đất đai còn lớn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án kéo dài; mua bán hàng giả, hàng cấm trên các nền tảng mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp…
Nhằm khắc phục các bất cập nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân; hạn chế tình trạng càng tinh giản thủ tục lại càng nhiều thủ tục thay thế hơn. Đồng thời đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đồng bộ hơn, hiện đại, kết nối đa phương, thúc đẩy liên kết vùng, đảm bảo an toàn giao thông…
Các đại biểu cũng đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, tiếp tục bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chủ động phòng, chống, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi nợ công, ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, điều tiết tốt thị trường, cân đối cung cầu, có giải pháp chấm dứt được đầu cơ của giá bất động sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Một số đại biểu đề cập đến vấn đề tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án về đất đai, kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo nguồn cung và cổ định giá cả điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và bão lũ miền Trung cũng như có cơ chế chủ động, kịp thời phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai…
Đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng nền nông nghiệp có giá trị cao hơn và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thí điểm xây dựng các sàn giao dịch nông sản trên các trang thương mại điện tử quốc tế có uy tín nhằm đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu. Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên chính sách, tạo môi trường để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn…
Tại phiên làm việc, các Bộ trưởng: Bộ GD-ĐT; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình nhiều vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc