Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Xây dựng thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập

14:42, 27/11/2024

Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). 

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cũng như vấn đề về thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lao động, việc làm, phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế.

Đại biểu cho rằng dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành nên để việc sửa đổi hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng phát triển; do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung dự thảo luật, đối chiếu với các luật khác, như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi… để tránh chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bày tỏ đồng thuận về nội dung hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi, đại biểu cho rằng ở các điều khoản khác quy định liên quan đến các chính sách việc làm như phát triển kỹ năng nghề từ việc các quy định khung trình độ, tiêu chuẩn, việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề mà người cao tuổi cũng phải tham gia và chịu chi phối của các quy định này.

Theo đại biểu, chính sách tạo việc làm cho người lao động cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng và cũng cần phải xem xét đến yếu tố địa phương, văn hóa, pháp luật về hỗ trợ cho người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc.

Về hệ thống thông tin thị trường lao động, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về việc định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung thông tin thị trường lao động vì nếu không thường xuyên rà soát biến động về cung, cầu lao động thì không cập nhật được đầy đủ thông tin và tình hình biến động lao động trên địa bàn và khu vực.

Liên quan đến phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đại biểu cho rằng, cần chú trọng và có cách tiếp cận mới trong mở rộng hơn về đối tượng người được hỗ trợ, để người lao động được bồi dưỡng, tham gia đào tạo về các kỹ năng nghề...

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật về Hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề quy định Nhà nước hỗ trợ thực hiện cả 8/8 nội dung phát triển kỹ năng nghề (được quy định tại khoản 2 Điều 34 của dự thảo Luật).

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, phạm vi hỗ trợ như vậy vừa quá rộng, dàn trải, vừa không rõ đối tượng được hỗ trợ, nguồn lực và phương thức hỗ trợ. Nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề, dù từ ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay nguồn khác thì cũng nên có trọng tâm, tập trung vào hỗ trợ người lao động là chính, đồng thời cần mở rộng đối tượng là người lao động được hỗ trợ.

Về chính sách phát triển nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, nhằm giải quyết việc làm và tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với nội dung đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. 

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Theo đại biểu, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Việc sửa đổi luật cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.

Đối với vấn đề tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, gốc là phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao.

Trong đó nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp…

* Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.