Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch

19:17, 07/11/2024

Chiều 7/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và các luật, nghị quyết khác.

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn và không bổ sung chính sách mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để khắc phục những bất cập luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách để phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Đề cập về cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào các khung giờ thấp điểm; đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Liên quan đến chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu cho rằng, nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.

Về chính sách ưu tiên đối với việc đầu tư vào điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung các loại hình điện trên vào Điều 27 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công. Bởi hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Điển hình như các nhà đầu tư cần sự bảo đảm của Nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước…

Theo đại biểu, nếu được bổ sung ưu tiên đầu tư sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình, làm rõ một số nội dung của các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực là cần thiết.

Việc bổ sung các loại năng lượng mới như điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi hay những loại năng lượng khác là cũng cần được đề cập trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ trong việc thu hút đầu tư, đảm bảo an toàn năng lượng và an ninh quốc gia.

Đề cập về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, Chính phủ đã có khung giá điện theo quy định của Luật Điện lực và Luật Giá. Dựa vào khung giá đó, các bên có thể đàm phán với nhau để thực hiện…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.