Thầy giáo Võ Liêm Sơn - người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Võ Liêm Sơn sinh ngày 1/8/1888 tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); cha ông là Võ Kiều Sơn từng tham gia phong trào Cần vương chống Pháp từ những ngày Kinh thành Huế thất thủ. Tinh thần yêu nước của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường hoạt động cách mạng sau này của Võ Liêm Sơn.
Năm 17 tuổi, Võ Liêm Sơn theo học ở Trường Quốc học (Huế) cùng với Nguyễn Tất Thành, Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh…
Khi phong trào chống thuế nổ ra ở Đại Lộc (Quảng Nam) và lan rộng ra các tỉnh Trung Kỳ, ông cùng các bạn tích cực hưởng ứng. Đây cũng là năm ông cùng người em là Võ Nghĩa Sơn lên đường vào Phan Thiết và được Công ty Liên Thành của các nhà nho cấp tiến, yêu nước tiếp tục giúp đỡ ăn học.
Ba năm sau (1911) ông đỗ Thành chung (bậc Cao đẳng tiểu học) và được bổ nhiệm làm giáo học ở Quy Nhơn.
Năm sau ông đỗ cử nhân Hán học và được bổ nhiệm làm Tri huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Với tính cách thẳng thắn như tên hiệu Ngạc Am (người nói thẳng) mà ông đã chọn, Võ Liêm Sơn đã tố cáo Tổng đốc Quảng Nam nhiều lần ăn hối lộ, câu kết với một tên thương chánh người Pháp, vì thế ông bị điều chuyển ra khỏi đất Quảng Nam, đưa về Huế giữ chức Thừa biện.
Năm 1914, Võ Liêm Sơn được bổ nhiệm làm huấn đạo Ninh Thuận, sau đó làm kiểm học Phú Yên. Sau đó ông được điều động về dạy Hán văn ở Trường Quốc học Huế. Là một người có tư tưởng cách mạng, với quan điểm “nước Việt Nam là của người Việt Nam” nên trong các buổi giảng dạy, thầy Võ Liêm Sơn thường lồng ghép khéo léo tinh thần yêu nước, luật tục gia phong của dân tộc Việt.
Các học trò của thầy như Hà Huy Tập, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu… đều giữ mãi những ấn tượng sâu sắc và ít nhiều hình thành tư tưởng cách mạng qua những tháng ngày được thầy truyền thụ kiến thức.
Trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, Giáo sư Đào Duy Anh đã hồi tưởng: “Trong trường này các giáo sư đều là người Pháp, ông (Võ Liêm Sơn) chẳng ngao du với ai cho nên đi dạy thì từ nhà đến trường vào thẳng lớp, và về nhà chỉ chơi chọi gà và đánh tổ tôm để khuây nỗi bất đắc chí thôi. Nhưng sau khi cụ Phan Bội Châu về Huế, ở gần nhà cụ, ông thường lui tới, bỏ hẳn các thứ chơi cũ để tham gia hoạt động xã hội. Từ đó ông trở thành người cố vấn tin yêu của học sinh Trường Quốc học và giới học sinh tiến bộ ở Huế nói chung, nhất là trong dịp lễ truy điệu Phan Châu Trinh năm 1926 và bãi khóa của học sinh Huế năm 1927. Ông được kết nạp vào Đảng Tân Việt, ông tán thành việc xuất bản Quan hải tùng thư và đã tham gia xây dựng chương trình. Sau khi phiên dịch hai tập Đông Tây văn hóa phê bình thì ông giao cho tôi bản thảo Hài văn mà các học sinh Quốc học bấy giờ cơ hồ đã thuộc cả. Chính vì sách ấy mà ông bị cách chức, cuối cùng phải về sống ở quê vợ, một làng hẻo lánh thuộc tỉnh Ninh Thuận”.
Thời gian này thầy Võ Liêm Sơn ở nhà đọc sách và viết tiểu thuyết “Cô lâu mộng” kêu gọi thanh niên sống có lý tưởng, trả thù nhà, đền nợ nước. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thầy tham gia hoạt động tích cực, cuối năm 1930 thầy bị bắt và giam tại nhà lao Huế. Mãn hạn tù năm 1934, thầy cho xuất bản cuốn “Cô lâu mộng”, người Pháp đã tịch thu và bắt giam thầy lần thứ hai ở nhà lao Phan Rang. Sau khi được thả tự do, thầy vào Sài Gòn làm chủ tờ báo “Nghe thấy” nhưng chỉ được ba tháng thì bị thực dân Pháp đình bản. Trở về Phan Rang, thầy tiếp tục hoạt động phong trào Bình dân do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Từ năm 1944, thầy Võ Liêm Sơn tham gia Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy được cử làm Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến kiêm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu IV. Giữa năm 1948, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Liêm Sơn - những người bạn học năm xưa ở Trường Quốc học gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết, cùng hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm thuở thiếu thời…
Thầy Võ Liêm Sơn lâm bệnh nặng và mất ngày 22/2/1949, yên nghỉ bên bờ dòng sông Lam dưới chân núi Hồng Lĩnh theo nguyện ước.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc