Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, chiều 26/3 các đại biểu xem xét, thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Điều hành phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 8 có 103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận. Tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, sau đó Ủy ban Văn hóa – Xã hội chủ trì nhiều cuộc họp để tiếp thu hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo.
Dự thảo sau khi rà soát gồm 3 điều sửa đổi, bổ sung 23 điều; bãi bỏ 1 điều và 10 điểm, khoản của luật hiện hành, làm rõ hơn nhiều vấn đề so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp trước.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Nhấn mạnh nội dung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay, dự thảo luật đã bổ sung quyền và một số nghĩa vụ.
Theo đó, đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, ngoài nghĩa vụ chung còn có các nghĩa vụ như xác minh độ tin cậy của người quảng cáo, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ quảng cáo, nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện nhiệm vụ quảng cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập luật hiện hành quy định tính liên đới trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của người quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện, đồng thời dự thảo luật quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu điều hành. Ảnh: quochoi.vn |
Trong phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo luật và không có ý kiến đăng ký phát biểu thảo luận.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức, gửi hồ sơ sang UBTVQH và cơ quan thẩm tra hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hội nhập quốc tế. Đặc biệt là ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, thu thập, tấn công, chiếm đoạt, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân trong thời gian vừa qua diễn ra hết sức phức tạp.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: quochoi.vn |
Băn khoăn về tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và với Luật Xử lý vi phạm hành chính, liên quan xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu cho rằng, xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, để có cơ sở giao cho Chính phủ quy định cụ thể mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì cần bổ sung theo hướng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được thực hiện theo quy định của luật tương ứng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu về thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực này, cần quy định thời hiệu riêng hay áp dụng thời hiệu chung là 1 năm. Trường hợp cần quy định thời hiệu riêng thì phải sửa quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
![]() |
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng đề nghị bóc tách, căn cứ vào các hành vi vi phạm cụ thể trong vi phạm hành chính. Đối với một số loại hành vi mang tính phổ biến thì căn cứ vào hành vi để xử phạt. Còn đối với những hành vi mang tính vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp thì phải căn cứ vào thu lợi bất chính để xử lý.
Sau phiên thảo luận về các dự án luật, các đại biểu tiến hành bế mạc hội nghị.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV diễn ra trong không khí khẩn trương, sôi nổi và trách nhiệm cao.
Tổng cộng có 61/73 ý kiến phát biểu về 10 dự án luật được xem xét tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có 8 dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và 2 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân). Tại hội nghị, các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã tham gia giải trình, báo cáo làm rõ thêm các nội dung ĐBQH quan tâm.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 tới đây có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính lịch sử đối với sự phát triển của đất nước. Khối lượng nội dung rất nhiều, theo thống kê sơ bộ là 42 nhiệm vụ lập pháp, khoảng hơn 20 nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, có cả sửa một số điều của Hiến pháp, trong khi thời gian chuẩn bị rút ngắn hơn.
Để góp phần tổ chức hiệu quả thành công kỳ họp, sau hội nghị, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và gửi các ĐBQH, bảo đảm ĐBQH tiếp cận tài liệu các nội dung trình kỳ họp sớm nhất.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang rất khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng” triển khai các nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan bám sát Kết luận, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 11 để phối hợp khẩn trương cập nhật, hoàn thiện các nội dung khác trình UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, nhất là sửa đổi Hiến pháp, luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy.
Đồng thời đề nghị các vị ĐBQH chủ động nghiên cứu ngay khi có tài liệu được gửi đến để chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia khi Quốc hội trình; thông tin đến cử tri và nhân dân về nội dung Kỳ họp thứ 9 tại các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp để nhân dân, cử tri chia sẻ, ủng hộ các nội dung mà Quốc hội xem xét, quyết định.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc