Multimedia Đọc Báo in

1975, điểm hẹn lịch sử

07:41, 30/04/2025

Khi viết những dòng này, cảm xúc của tôi nghẹn lại bởi trong mạch suy tư xuất hiện một liên tưởng so sánh: từ Thủ đô Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh có khoảng cách 1.723 km; giờ đây, từ điểm đi sân bay Nội Bài tới đích đến phi trường Tân Sơn Nhất chỉ xấp xỉ hai giờ bay trên bầu trời tự do.

Thế nhưng, để có hai giờ được vi vu trong không gian bình yên tuyệt vời của hòa bình, cả dân tộc Việt Nam đã mất tới 30 năm từ điểm mốc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 21 năm đằng đẵng chiến đấu, với biết bao xương máu của “lớp cha trước, lớp con sau” trong một cuộc hành trình ngút trời lửa đạn…

Nếu chúng ta có thêm một khoảng lùi lịch sử trở về cuộc đấu tranh bền bỉ từ điểm mốc năm 1858, khi liên quân thực dân Pháp và Tây Ban Nha nổ những phát đại bác đầu tiên lên bờ biển Đà Nẵng, chính thức xâm lược đất nước ta thì hành trình đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam đã kéo dài tới 117 năm. Hơn một thế kỷ mới có được ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày lịch sử trọng đại của toàn dân tộc, 30/4/1975. Để có một cuộc trùng phùng vĩ đại, cả dân tộc Việt Nam đã phải trải qua quãng đường dài với vô vàn chiến thắng vinh quang và cả biển rộng sông dài đau thương.

Xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Để có một “Mùa xuân đầu tiên”, khúc ca vui trong cảm thức nghẹn ngào của Nhạc sĩ Văn Cao thì chúng ta đã có biết bao bản hùng ca, hành khúc và những khúc nhạc đau thương chiêu hồn tử sĩ cất lên trên khắp dãy Trường Sơn khói lửa, giữa miền bưng biền Cửu Long hay miền Bắc hậu phương lớn. Cuộc kháng chiến thần thánh lấy muôn vàn gian khổ, hy sinh dựng đường đến hòa bình. Bởi vậy, cứ mỗi dịp nhớ về mùa Xuân đại thắng, trong lòng tôi lại ngân nga những giai điệu, ca từ da diết: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm/ Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…”.      

* * *

Mùa xuân 1975, từ hậu phương lớn miền Bắc hay khúc ruột miền Trung, từ rừng núi Tây Nguyên hay miệt sông nước Cửu Long cùng với những cánh quân chủ lực và những đoàn dân yêu nước giữa lòng các đô thị, khát vọng ấy đã trở thành một trận cuồng phong cùng tràn về một hướng. Toàn dân tộc xốc tới trong chiến dịch cuối cùng, chiến dịch mang tên vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh.

Kế thừa truyền thống bất khuất và sức mạnh kết tinh từ thuở Hùng Vương dựng nước, Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận chiến cuối cùng mang trong mình dòng thác lũ tiến công của hào khí Đông A khi vua tôi nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông; của quân dân Đại Việt trong các cuộc kháng Tống, chống Minh cùng bước chân thần tốc của đoàn đại hùng binh Quang Trung ngược ra phía Bắc đập tan 20 vạn quân Thanh. Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là sự tiếp nối, kế thừa đường lối chiến lược trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp…

Hồi cố về 50 năm trước, ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”.

Ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh; đồng chí Lê Ngọc Hiền làm quyền Tham mưu trưởng.

Từ hậu phương lớn miền Bắc, 230.000 tấn vật chất, kỹ thuật; trong đó, riêng 11 ngày chuẩn bị nước rút cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ miền Bắc đã chuyển vào miền Đông Nam Bộ 11.000 tấn vật chất các loại. Ở chiến trường miền Nam, hậu cần Miền đã huy động gần 64.000 dân công hỏa tuyến vận chuyển đạn, gạo, thực phẩm vào các kho dự trữ chiến dịch trên năm hướng.

Thực hiện quân lệnh thiêng liêng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tình hình chuyển biến ngày càng mau lẹ với quyết tâm cao nhất, các cánh quân, các lực lượng đã đồng loạt tấn công địch từ tất cả các hướng. Ngày 22/4/1975, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã điện chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…”.

Lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu mở màn khi quân ta đã áp sát các cơ quan đầu não địch và nổ súng tấn công trên tất cả các hướng, từ ngoài đánh vào phối hợp cùng các lực lượng nổi dậy trong lòng đô thị. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đầu hàng cách mạng vô điều kiện.  

Từ đó, non sông liền một dải, đất nước thống nhất. Trong ngày toàn thắng, những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố, đây là chiến thắng chung của cả dân tộc Việt Nam…              

* * *

Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng ta thể hiện sâu sắc quan điểm lịch sử: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Công lao làm nên kỳ tích vĩ đại thuộc về nhân dân, thuộc về khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ðảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Mỗi chiến thắng vĩ đại của dân tộc chúng ta thể hiện cuộc cách mạng triệt để, sâu sắc. Nhưng cách mạng chỉ thành công trọn vẹn khi nhân dân nắm vận mệnh đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời.

Từ ngày chính quyền còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì". Đúng như lời Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bởi vậy, nhiều thập niên qua, nhất là từ ngày nước nhà thống nhất, cả dân tộc Việt Nam đã sát cánh bên nhau để đấu tranh, bảo vệ và xây đắp cho những giá trị thiêng liêng ấy.

Máu xương bao thế hệ đã đổ xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc lâu dài, bền bỉ cho đến điểm hẹn lịch sử 1975. Bao thế hệ đã đóng góp trí tuệ, công sức để dựng nên dáng vóc non sông hôm nay.

Ðất nước vẫn còn đó ngổn ngang muôn nỗi khó khăn; nhất là trong giai đoạn hiện nay, một giai đoạn mà nước ta đang phải lựa chọn những đường lối phát triển vì lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân Việt Nam. Chúng ta vừa phải chủ động tạo lập nguồn sức mạnh nội sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; vừa tích cực ứng phó với những khó khăn mới phát sinh. Thời cơ đan xen thách thức.

Từ vọng âm lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, từ mùa Thu tháng Tám và mùa Xuân đại thắng, bánh xe lịch sử vẫn đang xoay tiếp những vòng đi tới. Tiền nhân, các thế hệ cha anh đã trao cho chúng ta những trang sử vàng chói lọi, trao niềm tin và khát vọng lớn lao…

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc