30/4 - không chỉ đơn giản là tờ lịch màu đỏ!
Ngày 30/4 hằng năm không đơn giản chỉ là một tờ lịch màu đỏ trên quyển lịch 365 tờ. Không chỉ ghi dấu ấn của một mốc son trong lịch sử dân tộc, đó còn là ngày nhắc nhớ về sự hy sinh lớn lao của cha ông trong quá khứ để biết trân trọng hòa bình hiện tại và ý thức về trách nhiệm của mỗi người với đất nước.
30/4/1975 là một dấu mốc lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng, đánh dấu sự kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là thắng lợi to lớn nhất, toàn vẹn nhất, triệt để nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, thực hiện trọn vẹn mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
![]() |
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4 nói riêng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Trong chiến công vĩ đại đó có sự đóng góp xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam anh hùng. Toàn quốc đến nay đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... Và vẫn còn những con số thống kê làm bất cứ người dân Việt Nam nào cũng phải day dứt: hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, nước bạn Lào và Campuchia; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng thiếu thông tin.
Có lẽ không ở đâu như Việt Nam, mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đều thấm mồ hôi, máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Bởi vậy, câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trở nên thấm thía biết bao: “Em ơi em Đất Nước là xương máu của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...”.
Trong bài thơ “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Biết sử ta là biết cội nguồn dân tộc. Biết sử ta là biết các cuộc chống giặc xâm lăng của đất nước, chiến công, kỳ tích của các anh hùng dân tộc. Biết sử ta là biết sức mạnh của nhân dân. Biết sử ta là biết những bài học xương máu được rút ra từ những thắng - thua, được - mất của dân tộc mình. Xem nhẹ lịch sử là có tội với tổ tiên cha ông, với lớp người đi trước, những người đã đổ mồ hôi, xương máu cho Tổ quốc này.
Ngày 30/4/2025 là một ngày đặc biệt - kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Mong sao mỗi người sẽ dành những phút lắng đọng lòng mình, xem một bộ phim lịch sử, nghe một ca khúc cách mạng để nhớ vì sao hôm nay tờ lịch có màu đỏ!
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc