Ác liệt những ngày đánh chiếm sân bay Thành Sơn
Sau khi tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng mà chính quyền Sài Gòn gọi là “cánh cửa thép” đã bị đập tan, Lữ dù 3 - lực lượng Anh cả đỏ, tổng dự bị chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu đã bị ta tiêu diệt hoàn toàn.
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Bộ binh 25 do ông Vũ Khắc Minh chỉ huy phối hợp với Sư đoàn 10 bộ binh, Quân đoàn 3 truy quét quân địch ở Ninh Hòa, TP. Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh; phát triển chiến đấu dọc theo Quốc lộ 1, đoạn từ Nha Trang đến đầu thị xã Phan Rang (Ninh Thuận).
Địch điên cuồng cho máy bay ném bom, bắn rốc két, phá hủy các cầu cống trên Quốc lộ 1 để ngăn chặn sức cơ động quân ta. Đặc biệt, chúng dùng pháo binh từ Hạm đội 7 kết hợp với pháo binh nội địa bắn phá liên tục vào đội hình quân ta. Lực lượng bộ binh và Lữ dù 4 của địch chiếm dãy núi cao phía Đông Nam ở đầu thị xã Phan Rang để ngăn chặn quân ta. Trước tình hình đó, Trung đoàn Bộ binh 25 chốt giữ khu vực Du Long và phân tán lực lượng vào khu đồn điền mía, xây dựng công sự trận địa để giảm thương vong và chờ lệnh chiến đấu. Những ngày bám trụ ở đây là những ngày lấy mía thay cơm, tuy dài ngày nhưng mọi người rất vui, rất khỏe.
Chiều 12/4/1975, Trung đoàn Bộ binh 25 chính thức bước vào chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5. Đơn vị đảm nhiệm một hướng quan trọng là vây hãm và tiêu diệt quân địch ở sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), bảo vệ máy bay và các phương tiện kỹ thuật trong sân bay.
![]() |
Cựu chiến binh Trung đoàn Bộ binh 25 gặp mặt truyền thống. |
Được dân quân du kích xã Bắc Ái dẫn đường, Trung đoàn 25 hành quân cấp tốc đêm ngày vượt qua núi cao, suối sâu địa hình hiểm trở vào vây hãm quân địch ở sân bay Thành Sơn đúng giờ quy định. Những ngày vây hãm quân địch ở đây để chờ lệnh nổ súng là những ngày bộ đội tiếp tục đói cơm khát nước, khát đến hai ngày hai đêm không tìm đâu ra giọt nước. Địa hình quanh sân bay toàn là cát trắng mênh mông không có một cây cỏ nào sống được, lác đác có mấy cây ô rô thuộc họ xương rồng. Các chiến sĩ ta bới cát nằm sâu bám trụ, ai may mắn lắm mới được nằm dưới gốc cây ô rô đỡ nắng. Trực thăng địch “đông như chuồn chuồn” bay sát đầu, nhòm vào mặt thả lựu đạn và phóng đạn 20 ly… Địch còn dùng cả bom napan để sát thương bộ đội ta, gây cho ta những tổn thất nặng nề, hòng đẩy ta ra ngoài. Song mọi toan tính của kẻ thù vẫn không thể làm nhụt ý chí chiến đấu của bộ đội ta.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 15/4/1975, toàn đơn vị được lệnh nổ súng tiêu diệt địch. Tiểu đoàn Bộ binh 1 là đơn vị mở cửa đánh chiếm đầu cầu, cuốn theo tiếng nổ rung trời là 18 hàng rào dây thép gai của địch bị bộc phá quân ta thổi bay như xác pháo. Lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 xung phong chiếm tuyến phòng thủ thứ nhất của quân địch, phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng; tạo thuận lợi cho Tiểu đoàn 2 thọc sâu tiêu diệt Sở chỉ huy và khu tập trung lực lượng của địch, cô lập toàn bộ hệ thống chỉ huy trung tâm của chúng. Tiểu đoàn 3 đảm nhiệm một hướng quan trọng đánh vào sân bay.
Mũi thọc sâu vào sở chỉ huy quân địch nhanh đến mức máy bay không kịp cất cánh; có 3 trực thăng đã nổ máy, cánh quạt quay tít mà không kịp cất cánh bởi phi công đã tháo chạy. Một lực lượng bộ binh địch co cụm ở núi Tháp Chàm ngoan cố kháng cự đã bị quân ta bao vây tiêu diệt. Mũi tháo chạy bằng 4 xe bọc thép ra hướng cảng Đông Hải đã đầu hàng các chiến sĩ truy kích của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2. Ta bắt sống 13 tên, trong đó có tên Trung tướng Vĩnh Nghi; thu 4 xe bọc thép, 4 khẩu 12,8 ly, 5 máy truyền tin vô tuyến điện.
Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, các mũi, các hướng đã bắt được liên lạc, tảo trừ quân địch, bố trí thế trận sẵn sàng đánh địch phản kích, cứu chữa thương binh, thu hồi vũ khí súng đạn, bảo vệ tốt các phương tiện kỹ thuật trong sân bay ở trạng thái khá tốt; tạo thuận lợi cho phi đội Nguyễn Thành Trung cất cánh ném bom Dinh Độc Lập, góp phần vào thắng lợi vẻ vang ngày 30/4/1975.
Trương Nhất Vương
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Vũ Khắc Minh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 25 Mặt trận B3)
Ý kiến bạn đọc