Giải phóng Côn Đảo trong ký ức một vị tướng
Ngay sau khi nghe bản tin "Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bộ Tổng tham mưu ngụy đầu hàng vô điều kiện", hơn 4.000 tù chính trị đã nhanh chóng chớp thời cơ, làm chủ cục diện, giải phóng Côn Đảo – nơi được xem là “địa ngục trần gian”.
Trong số những người tham gia giải phóng Côn Đảo ngày ấy có Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn – người bị địch bắt khi tham gia cách mạng tại H8, Đắk Lắk. Sau giải phóng, ông cũng là một trong số những người tình nguyện ở lại Côn Đảo để tham gia xây dựng và bảo vệ vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc.
“Hành trình” xiềng xích
Cũng giống như nhiều gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Quảng Nam, năm 1960, gia đình ông Châu Văn Mẫn bị chính quyền ngụy cưỡng ép di dân đến dinh điền Thăng Trị (thuộc huyện Krông Pắc ngày nay). Năm 1965, khi chỉ mới 15 tuổi, ông Mẫn đã tham gia cách mạng và là đội viên Đội công tác K300 – H8. 19 tuổi, ông được kết nạp Đảng. Tháng 1/1970, khi làm nhiệm vụ móc nối cơ sở ở quận Phước An, ông bị địch bắt. Trải qua nhiều trận đánh đập, nhục hình, địch không khai thác được thông tin gì nên chúng chuyển ông ra Trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo).
Tại trại 6B - nhà lao Côn Đảo, ông Mẫn cùng hơn 800 người tù chính trị đã không ngừng đấu tranh chống học tâm lý chiến, chống lao động khổ sai, chống chào cờ địch… Ngày 3/2/1972, các chiến sĩ cách mạng tại đây đã thành lập Đảng bộ cộng sản với mật danh Lưu Chí Hiếu. Ngày 26/3/1972, Đoàn thanh niên Nguyễn Văn Trỗi ra đời, ông Mẫn làm Bí thư Chi đoàn phòng 9, trại 6B.
![]() |
Trung tướng Châu Văn Mẫn kể lại những hy sinh của các chiến sĩ cách mạng tại trại 1 – 6B Côn Đảo nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo (1/5/1975 - 1/5/2025). |
Trung tướng Châu Văn Mẫn hồi tưởng: “Sau khi có tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn, phong trào văn hóa, văn nghệ của tù nhân mạnh lên thấy rõ, đời sống tinh thần cải thiện rất nhiều. Cũng từ đó, tinh thần tự học chính trị, tự đào tạo văn hóa của thanh niên được đẩy mạnh, mỗi buồng giam đã thành lập đội tự vệ, làm nòng cốt trong việc đấu tranh chống lại nhà cầm quyền tại Côn Đảo".
Cuối năm 1972, một chiếc radio đã được bí mật chuyển ra Côn Đảo, cất giấu tại phòng 2, trại 6B. Từ chiếc radio này, các đảng viên cốt cán đã nghe, chép lại tin tức thời sự trong nước, quốc tế, xây dựng kế hoạch đấu tranh trong tù. Ông Mẫn có nhiệm vụ chép bản tin ấy thành 11 bản để chuyển đến các phòng giam. Cũng nhờ đó, ông Mẫn và toàn thể tù nhân nắm bắt được nội dung của Hiệp định Paris, thổi bùng phong trào đấu tranh đòi cai ngục trao trả tù chính trị.
Chớp thời cơ làm chủ Côn Đảo
Ông Mẫn kể, từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, các thủ đoạn của quân thù đã làm gián đoạn mạch thông tin, người tù không nắm bắt được diễn tiến của quân ta trên chiến trường miền Nam. Dù vậy, tất cả các trại đều âm thầm chuẩn bị kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Mỗi người đã chuẩn bị cho mình một bộ đồ bà ba đen, một chiếc khăn rằn, sẵn sàng đấu tranh.
Khoảng 12 giờ đêm 30/4/1975, ông Mẫn cùng các tù nhân trại 1 - Phú Thọ nghe vang vọng tiếng hô từ phía trại 7 – chuồng cọp Mỹ. Mọi người tưởng rằng bọn cai ngục đã phát giác ra kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm của ta nên tiến hành đàn áp, không biết rằng đây chính là thời điểm những tù nhân chính trị đầu tiên được nghe tin chiến thắng. Đến khoảng 6 giờ sáng 1/5, cánh cửa trại 1 được mở toang, toàn thể tù nhân chính trị chính thức hít thở bầu trời tự do ngay trong chốn lao tù. Khoảnh khắc ấy, ông Mẫn và các tù nhân ôm chầm lấy nhau, bật khóc vì mừng vui, sung sướng.
![]() |
Trung tướng Châu Văn Mẫn (thứ ba từ phải sang) tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Phước An, giải phóng huyện Krông Pắc. |
Trên đảo lúc này, ngoài hơn 4.000 tù chính trị còn có hơn 3.000 quân phạm, thường phạm là những người mang án nặng do cướp của, giết người… được chính quyền ngụy đưa ra làm tay sai quản lý tù chính trị. Do đó, nhiệm vụ chớp thời cơ làm chủ tình hình trên đảo là vô cùng cấp thiết. Các đảng viên cốt cán đã lập ngay Đảo ủy lâm thời để lãnh đạo, phân công nhiệm vụ và tổ chức lực lượng vũ trang bảo vệ đảo. Ta cũng lập Ủy ban hòa giải, hòa hợp dân tộc Côn Đảo, mời những người có cảm tình với cách mạng hoặc theo cách mạng gồm: Linh mục Phạm Gia Thụy, Đại úy bảo an Kiều Văn Dậu, Trung tá Lê Câu làm chủ tịch và phó chủ tịch.
Phần lớn tù chính trị được bố trí ổn định ngay trong các trại giam để bảo đảm an toàn. Còn lực lượng vũ trang thì chia thành hai tốp ra bên ngoài, phối hợp cùng Ủy ban hòa giải, hòa hợp dân tộc Côn Đảo đi giải phóng chi khu Cỏ Ống và chi khu Bến Đầm. Ông Mẫn tham gia tốp vũ trang giải phóng chi khu Cỏ Ống. Ta đã dùng lợi thế chiến thắng trên chiến trường miền Nam cùng thái độ ôn hòa để đàm phán và đã tiếp quản sân bay Cỏ Ống, thu 26 máy bay các loại. Việc chuyển giao quyền lực, giải phóng Côn Đảo thắng lợi mà không hề vang tiếng súng.
Sau giải phóng, những chuyến tàu được điều ra đưa các cựu tù chính trị về đất liền. Dù trong tim luôn khao khát được gặp lại gia đình nhưng ông Mẫn đã gác lại tình riêng, cùng 155 đồng đội khác ở lại xây dựng, bảo vệ Côn Đảo. Mãi đến tháng 11/1975, ông mới đặt chân về đến mảnh đất Thăng Trị (nay là xã Hòa An, huyện Krông Pắc).
Trải qua quá trình phấn đấu, ông Châu Văn Mẫn được đề bạt làm Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau đó được chuyển ra Hà Nội làm Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tháng 10/2011, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc