Multimedia Đọc Báo in

Từ đôi bờ Bến Hải - Hiền Lương…

15:09, 28/04/2025

Đối với người Việt Nam, địa danh sông Bến Hải – cầu Hiền Lương là một "địa chỉ đỏ" trong tâm cảm, trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi qua nhiều thế hệ. Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã hóa thạch trong ký ức cộng đồng, thành cảm hứng dồi dào cho thơ ca, nhạc, họa.

Thời nước non còn bị chia cắt, những câu thơ như xoáy vào tâm cảm bao người: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu” (Tế Hanh), “Xa  nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” (Thanh Hải). Đêm đến, nghe giọng ngâm của nghệ sĩ Châu Loan, một người con của làng nghệ sĩ Tùng Luật (Vĩnh Linh) trong tiết mục tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam về nỗi niềm ngày Bắc - đêm Nam thì rất nhiều người nghe tim mình quặn thắt.

Sông Bến Hải lúc ấy còn là cảm hứng cho sự ra đời của tiểu thuyết “Phía Nam sông Bến Hải” của nhà văn Mikhail Đômôgatxkikh (Liên Xô) được Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1986. Tác giả vốn là phóng viên Thông tấn xã TASS của Liên Xô từng công tác tại Việt Nam.

Mới đây, khi tôi đến thăm lại cầu Hiền Lương, cảm xúc bỗng da diết khi nghe cô hướng dẫn viên hát mộc bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một trong những bài hát đã thành tiếng lòng của cả dân tộc một thời và mãi mãi. Giọng hát không quá hay nhưng vô cùng da diết, nhất là hát trên chiếc cầu lịch sử. Nhiều du khách cũng hát theo, có người không nén nổi xúc động, lấy tay lau nước mắt.

Cầu Hiền Lương hôm nay.

Có lẽ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Nối vòng tay lớn” có câu “Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu…” thì chiếc cầu ám ảnh bậc nhất hẳn là cầu Hiền Lương. Còn nhạc sĩ Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên” khi non sông liền một dải, bước chân người Việt qua cầu Hiền Lương không chút ngập ngừng, e ngại. Dịp 30/4 năm 2010, hai anh em sinh đôi đều là họa sĩ là Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải sau nhiều năm nung nấu, bằng nghệ thuật sắp đặt ngay trên chiếc cầu Hiền Lương đã cho ra đời bộ phim “Cây cầu” (The Bridge). Các anh cho biết: “Chúng tôi sinh vào tháng 4/1975 và cầu Hiền Lương là một biểu tượng ám ảnh hai anh em nên chúng tôi quyết định làm bộ phim này theo ý tưởng và cách của mình. Đây là cách làm mới mẻ ở Việt Nam thể hiện sự khao khát tìm tòi, sáng tạo và thể hiện của người nghệ sĩ với lịch sử của dân tộc mình”. Bộ phim đã được dư luận chú ý, báo chí quan tâm, VTV còn thực hiện một bộ phim tài liệu về tác phẩm này với nhan đề “Anh em”.

Bao nhiêu lần qua lại cầu Hiền Lương, với tôi, chiếc cầu, dòng nước đã trở nên quen thuộc nhưng cảm quan, lạ thay, vẫn không chai cứng, trơ mòn. Cách đây mấy năm khi thực hiện phóng sự về cầu Hiền Lương, tôi đã nghe cựu chiến binh Lương Xuân Vy (ở Lào Cai) tâm sự: “Chúng tôi đến thăm cầu Hiền Lương nhiều lần rồi nhưng phải nói lần nào cũng thấy bồi hồi xúc động. Chúng tôi mong muốn Quảng Trị bảo tồn tốt di tích này để không chỉ người dân hôm nay đến chiêm ngưỡng mà còn để con cháu mai sau đến tham quan hiểu thêm lịch sử của cha ông mình”.

Dịp 30/4/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đến thăm tỉnh Quảng Trị. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông đã dạo trên chiếc cầu Hiền Lương và bắt tay ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Báo chí đưa tin, gọi đây là “cái bắt tay lịch sử” báo hiệu một nấc thang mới tốt lành trong quan hệ Việt - Mỹ, khi khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc