Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội từ cuộc cách mạng hành chính với tầm nhìn trăm năm

08:26, 11/05/2025

Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ NGUYỄN DUY THỤY, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên về những kỳ vọng và giải pháp cho tiến trình cải cách quan trọng này.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên.

♦ Thưa tiến sĩ, Trung ương đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trong đó bao gồm việc sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của cuộc cách mạng hành chính này?

Lịch sử Việt Nam ghi nhận nhiều cuộc cải cách hành chính lớn như cải cách của Vua Lê Thánh Tông (năm 1471), cải cách của Vua Minh Mạng (1831 – 1832)… Điểm chung của các cuộc cải cách lịch sử đó là mở ra những giai đoạn phát triển thịnh trị của quốc gia dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang triển khai một cuộc cách mạng hành chính mới với tầm nhìn phát triển hàng trăm năm, trong đó việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là trọng tâm cuộc cải cách. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh,  không tổ chức cấp huyện, tinh gọn cấp xã, không đơn thuần là giảm đầu mối cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi về mặt tổ chức mà còn là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu sự chồng chéo trong công tác điều hành, giúp giảm bớt chi phí ngân sách nhà nước, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy và tạo ra sự thống nhất trong hệ thống chính trị. Các đơn vị hành chính được tổ chức, sắp xếp mới nhằm tạo không gian và lợi thế phát triển trong bối cảnh mới. Đây là mục tiêu, cũng như kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân đối với cuộc cách mạng tinh gọn.

Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một phần của cuộc cách mạng cải cách hành chính. Song song với công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, chúng ta cần triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp cải cách khác nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Có như vậy, cách mạng mới thành công triệt để.

♦​​​​​​​ Chủ trương hợp nhất các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển để mở rộng không gian phát triển, trong đó có hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk – Phú Yên, theo ông có những thuận lợi, khó khăn gì?

Việc sáp nhập Đắk Lắk với Phú Yên là nhằm tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên vùng, liên kết vùng, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng địa lý, tài nguyên và vị trí chiến lược, phát huy tổng hợp nội lực sẵn có của hai địa phương, cộng hưởng với xu thế phát triển chung của cả nước.

Dễ nhận thấy việc hợp nhất giữa tỉnh biên giới miền núi với tỉnh duyên hải sẽ mở đường cho sản phẩm của địa phương có thể thông thương ra thế giới qua cảng biển ở phía Đông hoặc cửa khẩu biên giới đất liền phía Tây. Hàng hóa lưu thông thúc đẩy sản xuất phát triển, từ lợi thế so sánh chuyển thành lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Đi đôi với giao thương kinh tế là hoạt động giao lưu văn hóa, hình thành không gian văn hóa biển - cao nguyên đa dạng và phong phú, giàu bản sắc. Kinh tế phát triển là tiền đề ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống như thiên tai, di cư, buôn lậu...

Bên cạnh thuận lợi, trước mắt, đặc biệt những năm đầu thực hiện sáp nhập, nảy sinh một số thách thức, khó khăn. Khó khăn đầu tiên cần tháo gỡ là hạn chế về kết cấu hạ tầng liên kết, đường giao thông gần nhất từ Đắk Lắk sang Phú Yên là Quốc lộ 29 nhưng đường dốc, nhỏ, hẹp, xuống cấp. Bên cạnh đó, giữa vùng cao nguyên và vùng đồng bằng duyên hải có sự khác biệt về dân cư, tập quán, trình độ phát triển – đòi hỏi sự điều phối và thích nghi cao, chiến lược phát triển hài hòa, cân đối giữa các tiểu vùng trong tỉnh mới.

Việc sáp nhập tỉnh Đắk Lắk với một tỉnh ven biển là một hướng đi mang tính đột phá nếu được triển khai đúng cách. Đây là cơ hội để tạo lập một trung tâm phát triển mới, đa ngành, có chiều sâu, có khả năng kết nối quốc tế mạnh mẽ hơn. Để chủ trương này thành công, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch, cơ chế đặc thù, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân và bộ máy quản lý.

♦ ​​​​​​​Để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp lại đơn vị hành chính đạt hiệu quả cao, theo ông, đâu là những giải pháp then chốt?

Đầu tiên là tuyên truyền, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội và đồng thuận của nhân dân, tháo gỡ những vấn đề tâm tư của các cán bộ, người dân bị ảnh hưởng bởi việc tinh gọn, sáp nhập bộ máy hành chính. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư nâng cao hạ tầng, liên kết xã hội, xóa bỏ ngăn cách bởi yếu tố địa lý, tạo sự kết nối thông suốt trên mọi mặt giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các đơn vị hành chính mới.

Về bản chất, tinh gọn bộ máy hành chính là sự chuyển đổi cách thức vận hành bộ máy hành chính, đặt người dân, tổ chức vào vị trí trung tâm phục vụ của nền hành chính hiện đại. Chuyển đổi số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là nhiệm vụ cốt lõi và mang tính quyết định, để bảo đảm bộ máy mới thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với quy mô một cuộc cách mạng, quá trình tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới; mỗi địa phương, mỗi thời điểm sẽ có những vấn đề đặt thù riêng. Do đó,  cần nắm vững và thực hiện các chỉ đạo của Trung ương một cách quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

♦ Xin cảm ơn tiến sĩ!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…