Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp

14:03, 13/05/2025

Sáng 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội xem xét và thảo luận dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy  ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, sau khi tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Dự thảo Luật đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. Ảnh: VOV
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong quyết định chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu, rà soát, chỉnh lý Điều 17 dự thảo Luật. Theo đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hằng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Quy định tại dự thảo Luật đã phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua.

Để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh về phân phối lợi nhuận sau thuế, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành.

Đại biểu dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại Luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách nhà nước...

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; giải quyết những bất cập, vướng mắc của Luật hiện hành. Dự thảo trình ra Kỳ họp thứ Chín đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp… 

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu ủng hộ phương án các doanh nghiệp được quyết định cho các công ty do doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn với giá trị từng khoản vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và bảo đảm tổng giá trị khoản cho vay không vượt giá trị vốn góp thực tế. Điều này sẽ giúp cho các Tập đoàn, Tổng công ty có thể tận dụng được năng lực, phát huy tối đa các nguồn vốn có thể huy động hiện đang nhàn rỗi của mình để hỗ trợ cho các công ty con trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc các Tập đoàn, Tổng công ty thu xếp vốn và cho các công ty con vay còn giúp cho các công ty con được tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với việc công ty con tự huy động.

Để đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở trong tổ chức thực hiện quy định này sau khi Luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực áp dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động quyết định về nguồn vốn sử dụng để cho vay cũng như lãi suất cho vay đối với công ty con.

Bên cạnh đó xem xét bổ sung quy định để đảm bảo việc cho vay trong trường hợp này không bị điều chỉnh, chi phối bởi các luật khác: như không cần thiết phải bổ sung ngành nghề kinh doanh, không phải xin giấy phép/chấp thuận hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng...

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã xem xét các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc