Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Quy định rõ trách nhiệm pháp lý trong hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng
Sáng 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội xem xét và thảo luận ở hội trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ Tám.
Dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
![]() |
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu nêu lên thực trạng từ các vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.
Đại biểu đặt ra vấn đề về tính khả thi của quy định yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn.
Về cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn, bổ sung thêm nghĩa vụ của họ, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp, thì thông thường họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… phải đặt trong mối liên hệ bảo vệ sức khỏe cộng đồng với an toàn xã hội, tránh lợi dụng kẽ hở của pháp luật để quảng cáo sai, nhất là trên các nền tảng truyền thông mới theo hướng căn cứ theo hợp đồng quảng cáo để tính tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính.
Đại biểu đề nghị, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo, để đảm bảo tính răn đe…
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã xem xét báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc