Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp
Chiều 13/5, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Tham gia góp ý kiến về dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau hơn một thập kỷ thực thi không chỉ là yêu cầu của thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Đại biểu cho biết, nếu như Luật năm 2013 từng bước đặt nền móng cho hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, thì dự thảo sửa đổi lần này mang trọng trách cao hơn. Một trong những chuyển biến có tính nguyên lý trong dự thảo luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung của dự thảo luật vẫn còn lệch trọng tâm về khoa học công nghệ truyền thống, cũng như chỉ mới có nguyên tắc của hoạt động “đổi mới sáng tạo” chứ chưa thấy có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể thế nào là “đổi mới sáng tạo” để đánh giá xem có đủ điều kiện để công nhận, hỗ trợ hoặc xem xét chính sách không. Do đó, cần phân biệt đổi mới mang tính học hỏi, cải tiến với đổi mới có tính chất đột phá.
Ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu giải thích, bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.
Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được như sai số mô hình, thất bại thử nghiệm... và sai phạm không thể miễn trừ như gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém... Cùng với đó là thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập; thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Cho ý kiến về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu đề nghị bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như có tính đổi mới sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số hoặc công nghệ xanh; có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội đáng kể và có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tham gia và môi trường.
Đại biểu cũng nêu rõ, dự thảo luật quy định miễn trách nhiệm hình sự; cho phép sử dụng trách nhiệm dân sự thay thế cho trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp; tuy nhiên không có quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ. Do vậy đề nghị sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, mặt khác, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ cá nhân có sáng kiến, nhất là người nông dân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, trong thực tế, người dân nhất là những người nông dân khi làm công việc nhà nông đã sáng chế được nhiều máy móc, thiết bị như: máy gieo hạt ngô, hạt lúa đa năng, máy phun thuốc trừ sâu có đường kết nối từ xa... mà phương tiện thông tin đại chúng thường gọi họ là những nhà khoa học “hai lúa”.
Đại biểu cho rằng, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân được phổ cập rộng rãi rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả rất tốt. Do vậy đại biểu đề nghị nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như vậy…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc