Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Xác lập pháp lý liên thông đội ngũ cán bộ xã và tỉnh
Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, các đại biểu đánh giá cao và thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi luật; qua đó nhằm xác lập pháp lý liên thông đội ngũ cán bộ xã và tỉnh; xây dựng chế độ công vụ chung từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Gắn với đó là thực hiện mục tiêu cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó đảm bảo thống nhất, đồng bộ, liên thông quy định, thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Đây cũng là dịp sửa đổi toàn diện luật, đổi mới chế độ công vụ theo hướng tiếp cận nền công vụ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đề cập đến chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Điều 5).
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cho biết: Tại khoản 1 quy định “Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng quy định này vẫn mang tính nguyên tắc, chưa định lượng cụ thể. Ở đây, cụm từ “cơ chế, chính sách đặc biệt” nếu không được luật hóa một cách rõ ràng sẽ gây khó khăn trong việc thực thi và dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng.
Đối với nghĩa vụ cán bộ công chức trong thi hành công vụ (Điều 8 của dự thảo luật), đại biểu nêu rõ: Tại khoản 5 quy định: “Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định…”.
Đại biểu cho rằng, quy định trên đã phân hóa rõ trách nhiệm cũng như xác định rõ tính chịu trách nhiệm từng khâu trong quá trình thực thi công vụ, nhất là khi để xảy ra hậu quả thông qua cơ chế phản hồi là chế độ báo cáo bằng văn bản.
![]() |
Quang cảnh phiên làm việc chiều 14/5. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên việc thực hiện chế độ báo cáo trong trường hợp khi cho rằng quyết định của cấp trên là trái pháp luật được thực hiện theo cơ chế, trình tự, thủ tục, thời hạn như thế nào, việc lưu trữ báo cáo của người thi hành công vụ đối với cấp trên thể hiện trong hồ sơ công vụ, cán bộ công chức ra sao? Cơ chế nào để bảo vệ công chức khi báo cáo bằng văn bản với cấp trên trực tiếp vì thực tế nhiều cán bộ cấp dưới không dám báo cáo sợ bị định kiến, trù dập…
Như vậy, để việc thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản như đề cập trong dự thảo luật không chỉ là hình thức và trách nhiệm lạm dụng hoặc né tránh trách nhiệm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung 1 khoản trong Điều này, đó là giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Đối với những việc khác cán bộ, công chức không được làm quy định tại Điều 16 dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc quy định cụ thể, chi tiết một số hành vi của công chức không được làm đã được điều chỉnh tại Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước… thì chưa bao quát hết những hành vi cần phải nghiêm cấm, không được làm của công chức trong nhiều trường hợp, nhiều lĩnh vực quan trọng được quy định tại nhiều văn bản luật, chẳng hạn như: hành vi, việc làm của cán bộ, công chức lợi dụng không gian mạng để đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin chưa được phép công bố hoặc nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, danh dự cá nhân khác trên không gian mạng, đây là một vấn đề nổi cộm trong thực tiễn hiện nay cần được nghiêm cấm, không được làm đối với cán bộ, công chức… nếu quy định trong dự thảo luật này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu và thừa, khó khăn khi áp dụng.
Do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý lại Điều này như sau: “Ngoài những việc không được làm liên quan đến công vụ quy định tại Điều 15 luật này, cán bộ công chức không được làm những việc khác theo quy định pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền”…
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội xem xét các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc