Multimedia Đọc Báo in

Mở đường cho cải cách thể chế sâu rộng, toàn diện

08:47, 14/05/2025

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đang là tâm điểm từ nghị trường đến đời sống xã hội bởi tính cấp bách, mở đường cho cải cách thể chế sâu rộng, toàn diện.

Nâng cao vị thế của Mặt trận Tổ quốc

Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là điều chỉnh sâu nội dung Điều 9, liên quan đến vai trò của MTTQ Việt Nam. Nếu trước đây Mặt trận được xác định là tổ chức mang tính phối hợp, thì nay dự thảo mới khẳng định rõ MTTQ là một bộ phận trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, đồng thời là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Theo đó, dự thảo làm rõ hơn các nhiệm vụ cốt lõi của Mặt trận, từ tập hợp sức mạnh đại đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đến thực hiện quyền dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội. Những nhiệm vụ này được quy định chi tiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Mặt trận thực hiện vai trò của mình một cách chủ động và hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, dự thảo còn xác định rõ các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức trực thuộc MTTQ Việt Nam. Việc quy định rõ mối quan hệ “trực thuộc” này đã khẳng định về nguyên tắc hoạt động theo hướng hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự điều phối chung của Mặt trận. Đồng thời, sẽ giảm thiểu được sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường sức mạnh tổng hợp và hiệu quả hoạt động chung trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý cho các dự án luật và nghị quyết.

Đáng chú ý, Điều 10 của dự thảo bỏ quy định “Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện” và nhấn mạnh tính chính trị - xã hội của tổ chức này với vai trò là đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo còn bổ sung vai trò “đại diện cấp quốc gia” của Công đoàn trong quan hệ lao động và quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao vị thế pháp lý của Công đoàn trong nước, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán về chính sách lao động, tiền lương, điều kiện làm việc, mà còn giúp Công đoàn Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào phong trào công đoàn quốc tế, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

 

"Đây là cuộc cách mạng lớn chưa từng có để tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chính tinh gọn như vậy chúng ta mới có thêm nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực để bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Về mặt lập pháp, việc sửa đổi Điều 84 của Hiến pháp cũng là điểm đáng chú ý khi thu hẹp đối tượng có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh. Theo đó, chỉ còn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền này, thay vì trao quyền cho các cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên như trước. Quy định này góp phần tập trung hóa quy trình đề xuất xây dựng pháp luật, giúp tạo nên một đầu mối thống nhất, nâng cao tính phối hợp và chất lượng các dự án luật ngay từ khâu đề xuất.

Tinh gọn bộ máy hành chính

Một trong những sửa đổi mang tính nền móng để bảo đảm sự thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước trong dự thảo lần này là việc đề xuất bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, chuyển sang mô hình hai cấp. Nội dung này được quy định tại Điều 110 của Hiến pháp 2013 và kéo theo sự điều chỉnh hàng loạt quy định liên quan tại các Điều 111, 112, 114, 115.

Việc tinh gọn bộ máy hành chính theo mô hình hai cấp không chỉ giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ giữa các cấp, mà còn tạo điều kiện cho việc phân cấp, phân quyền rõ ràng, nâng cao tính linh hoạt và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, nhiều giao dịch hành chính có thể thực hiện trực tuyến, khiến vai trò của cấp trung gian trở nên ít cần thiết, thậm chí gây cản trở cho sự linh hoạt của bộ máy.

Người dân được hướng dẫn về hình thức đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Nguyễn Gia - Đức Văn

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này không đơn thuần là những điều chỉnh mang tính kỹ thuật hay pháp lý, mà thể hiện một tầm nhìn chiến lược về đổi mới cách quản lý và vận hành nhà nước trong giai đoạn phát triển mới; hướng đến một bộ máy liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, gần dân và phục vụ nhân dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, đòi hỏi nhà nước không chỉ đổi mới về tổ chức mà còn phải thích nghi nhanh về phương thức hoạt động. Việc tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và tăng cường giám sát là nền tảng để cải cách hành chính, giảm gánh nặng cho người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) "Đánh thức" du lịch rừng
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 507.000 ha rừng, là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối lớn, sở hữu nhiều ghềnh thác đẹp cùng hệ sinh thái rừng đa dạng, hệ động thực vật phong phú. Với những lợi thế to lớn đó, tỉnh đang xúc tiến để khai mở “mỏ vàng” này cho hoạt động du lịch sinh thái.