Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Đòi hỏi từ thực tiễn và kỳ vọng của Nhân dân
Chiều 5/5, tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua hai nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử: Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Với 100% số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức khởi động quá trình cải cách văn kiện pháp lý nền tảng nhất của quốc gia.
Đây là một bước đi hệ trọng, thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy chiến lược và tầm nhìn cải cách của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hiến pháp, với tư cách là đạo luật gốc, cần phản ánh kịp thời những biến chuyển to lớn của đất nước trong bối cảnh mới, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, thực tiễn đã đặt ra không ít vấn đề cần rà soát, chỉnh lý để phù hợp hơn với thực tiễn.
Thông tin về sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn…”.
Từ nghị trường đến thực tiễn đời sống, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các tầng lớp Nhân dân.
![]() |
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Ảnh: quochoi.vn |
Là Ủy viên MTTQ Việt Nam tỉnh từ năm 1986 đến nay, ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 về những nội dung liên quan đến các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
HÌNH THỨC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN - Các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân. - Các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu tiến độ, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, địa phương mình, chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học. - Chính quyền địa phương các cấp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. |
Ông Đào khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, MTTQ Việt Nam luôn giữ vai trò đoàn kết Nhân dân, giúp Đảng xây dựng lực lượng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy, một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 chưa quy định rõ và đang có sự chồng lấn, trùng lặp về đối tượng vận động, tập hợp ở các tổ chức thành viên của MTTQ nên hoạt động không hiệu quả.
Vì vậy, ở nội dung sửa đổi cần làm rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên tập trung vào những nhiệm vụ mà Nhân dân mong mỏi, đó là phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Quan tâm đến nội dung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ nông trại EDE (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã rất linh hoạt trong việc nhìn nhận, đánh giá và chủ động cải tổ bộ máy khi cần thiết. Tinh thần này rất gần với cách một doanh nghiệp cần tái cấu trúc để tránh tụt hậu sau một chu kỳ phát triển. Trong kinh doanh, để bứt phá, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình quản trị, nâng chuẩn năng lực nhân sự và cơ chế đãi ngộ tương xứng. Bộ máy hành chính cũng cần được tiếp cận dưới góc độ hiệu quả tương tự: đúng người – đúng việc – đúng trách nhiệm.
Ông Hữu chia sẻ: “Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc, hiện đại, minh bạch hơn cho bộ máy nhà nước trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc cho phép người dân góp ý trực tiếp qua ứng dụng VNeID – một cách làm dân chủ, thực tiễn và phù hợp với thời đại số. Khi người dân có tiếng nói ngay trong quá trình xây dựng Hiến pháp, bản Hiến pháp ấy sẽ gần dân, phản ánh thực tiễn cuộc sống rõ hơn và dễ đi vào cuộc sống hơn…”.
![]() |
Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ảnh: quochoi.vn |
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, anh Y Phi On Mlô, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) kỳ vọng: "Khi sắp xếp tổ chức bộ máy, việc đánh giá, lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc là điều quan trọng, đòi hỏi người đứng đầu các cấp phải công tâm, khách quan; đồng thời giải quyết thấu tình đạt lý chế độ, chính sách đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động".
Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia và cũng là sự kết tinh, thể hiện ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân – một tiến trình không chỉ mang tính pháp lý, mà còn là dịp để mỗi công dân góp tiếng nói xây dựng, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình với tương lai đất nước…
Lan Anh – Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc