Tầm chiến lược với nhiệm vụ phòng, chống lãng phí
Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với những nhiệm vụ, giải pháp mang tầm chiến lược.
Phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong bài viết: “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức…
Dưới nhiều dạng thức khác nhau, Tổng Bí thư nhấn mạnh lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
![]() |
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đỗ Lan |
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cuối tháng 10 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “vừa phải chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi. Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; xác định rõ trách nhiệm, dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân.
Xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí
Để ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 806/QĐ-TTg, ngày 22/4/2025 ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Chiến lược đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí. Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả. Quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng cường tính bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong phòng, chống lãng phí. Tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
![]() |
Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng từ thiên nhiên để tránh lãng phí. Ảnh: Nguyễn Gia |
Theo đó, về tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế.
Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý nợ công: Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép, bảo đảm an ninh an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bố trí thanh toán trả nợ các khoản nợ gốc, lãi của ngân sách nhà nước kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ bảo đảm phù hợp với nhu cầu của ngân sách Trung ương và khả năng đáp ứng của thị trường.
Về đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản trị nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội theo hướng công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Đối với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí: Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa; rà soát, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực theo quy định của pháp luật.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc