Multimedia Đọc Báo in

Bản lĩnh người làm công tác tuyên huấn

13:51, 29/08/2021

87 năm tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng, đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy vẫn luôn nhớ như in những tháng năm gian khổ nhưng hào hùng của người chiến sĩ làm công tác tuyên huấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Làm công tác tuyên truyền từ khi còn ở quê Quảng Nam, sau khi được cử đi học lý luận ở Trường Tuyên giáo Trung ương năm 1959, đồng chí Chương nhận lệnh hành quân vào Nam, được phân công công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và giảng dạy ở Trường Đảng tỉnh từ năm 1965. Theo lời kể của đồng chí Chương, lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta vô cùng ác liệt, lại thêm khó khăn, trắc trở của địa hình, bệnh sốt rét, đói kém, nhưng cán bộ làm công tác tuyên huấn vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, hoạt động ngay trong lòng địch; trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn tìm được cách đấu tranh trên mặt trận chính trị - tư tưởng.

Là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, đồng chí Chương đã cùng lãnh đạo Ban vừa bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa xung kích trong công tác tuyên truyền ở cả vùng địch tạm chiếm, vùng mới giải phóng, vùng tranh chấp và vùng căn cứ (H.9, huyện Krông Bông). Hoạt động ngay trong lòng địch với nhiều khó khăn nên công tác thông tin, tuyên truyền phải thật mềm mỏng, linh hoạt. Ban ngày địch tuần tra, kiểm soát gắt gao thì cán bộ tuyên huấn, đội công tác chuyển sang hoạt động ban đêm, bảo đảm thư kêu gọi, truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu đến được với người dân và cả lính ngụy. Các nội dung tuyên truyền được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, hun đúc lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc và thực hiện tăng gia sản xuất, học chữ, ăn sạch, ở sạch.

Đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Trong ký ức của mình, đồng chí Châu Khắc Chương nhớ nhất là thời gian từ năm 1970 đến 1975 khi được giao phụ trách tờ Báo Cờ Giải Phóng. Do cả giấy, mực đều thiếu nên phải viết chữ ngược lên tấm đá mài nhẵn, sau đó mài mực ép lên giấy cho chữ nổi lên, vậy mà mọi người vẫn kiên trì giữ cho tờ báo hoạt động. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Xí nghiệp in được cấp 5 máy in ty pô nhưng sau đó bị địch ném bom phá hỏng, phải quay lại cách in cũ. Khi ấy, Báo Cờ Giải Phóng xuất bản 1 tháng 1 số hoặc 3 tháng 1 số, khổ bằng tờ giấy A4 ngày nay. Nội dung cũng khá phong phú, có bản tin chiến sự, xã luận và thơ. Sau giải phóng năm 1975, ta tiếp quản xí nghiệp in, có máy móc phục vụ in ấn nên mọi công đoạn đỡ khó khăn hơn trước.

Từ năm 1976 đến 1996, đồng chí Châu Khắc Chương lần lượt đảm nhiệm các cương vị Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đảng, Trưởng Ty Văn hóa – Thông tin, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Thời kỳ đầu, các cán bộ tuyên huấn viết bài, phát cho ban tự quản, cán bộ cơ sở tuyên truyền nhân dân tại địa phương; làm các pa nô, khẩu hiệu bằng các nan tre đan lại, treo ở cổng chào, trục đường chính. Qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng buôn làng, thực hiện phong trào vệ sinh, đi học để chống lại đói rách, bệnh tật, mù chữ; kêu gọi những người từng lầm đường lạc lối trở về. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (từ năm 1986), công tác tuyên huấn có nhiều thuận lợi hơn. Đề cương đều được Ban Tuyên huấn Trung ương gửi, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy nghiên cứu, biên soạn cho phù hợp rồi chuyển xuống cho các huyện sử dụng trong công tác giảng dạy và định hướng tuyên tuyền.

Theo đồng chí Châu Khắc Chương, cán bộ làm công tác tuyên huấn thì thời nào cũng phải luôn giữ lập trường vững vàng, tâm sáng, lòng trong, trọng dân, gần dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, những người làm công tác tư tưởng cần kế thừa, phát huy bài học về bản lĩnh trí tuệ, khí phách của người làm công tác tuyên huấn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tu dưỡng bản thân, đi nhiều, đọc nhiều, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để làm tốt hơn công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.