Multimedia Đọc Báo in

Nhớ vị tướng của lòng dân

13:49, 29/08/2021

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tại thế, tôi đã vài lần ghé thăm ngôi nhà hương hỏa của ông ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Trông coi ngôi nhà lưu niệm nơi cố hương của Đại tướng là người cháu Võ Đại Hàm. Khi du khách gần xa đến đây, ông Hàm như một hướng dẫn viên giản dị, chân thành kể cho mọi người nghe nhiều câu chuyện về vị tướng của nhân dân.

Ngôi nhà có những vật dụng như bộ phản ở nhà trên, hoặc cối xay gạo và thúng mủng... ở nhà ngang phía dưới gợi nhớ một thời quá vãng sau lũy tre làng xưa kia, từ khi Đại tướng cất tiếng khóc chào đời. Ra sau vườn, lại gặp cây khế cổ thụ, cành lá sum sê. Người nhà của Đại tướng cho hay, tuổi đời của cây khế đã hơn một thế kỷ, nghĩa là khi vị danh tướng ra đời, cây khế đã có rồi. Một cây khế mà hình thù, cành lá gợi nhớ đến những chuyện cổ tích xa xưa. Tôi nói với vợ con mình: "Đây là một danh tướng, có thể được coi là kế tục xứng đáng những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Quang Trung... đặc biệt là văn võ song toàn, là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng!". Cô con gái đầu của tôi lúc ấy đang học tiểu học, rụt rè xin viết vào sổ lưu niệm, tôi gật đầu khuyến khích. Không biết cháu đã viết gì, đó là cảm xúc riêng của mỗi người dù tuổi tác khác nhau, nhưng tôi tin đó là tình cảm chân tình, trong sáng của con trẻ khi có ấn tượng với một trong những nhân vật lịch sử hàng đầu của thế kỷ hai mươi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ năm 1994. Ảnh tư liệu

Sau đó khi ra Hà Nội và Thái Bình thực hiện loạt ký sự "Thành hoàng cộng sản" về nhà cách mạng Nguyễn Tạo cho Báo Tuổi Trẻ, tôi lại nhìn thấy bức ảnh chụp ông Nguyễn Tạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, trưởng nam cụ Nguyễn Tạo giải thích, bố mình hơn tuổi Đại tướng nửa giáp, là người đã kết nạp vị danh tướng sau này vào tổ chức có xu hướng cộng sản tên "Tân Việt cách mạng đảng" trước năm 1930. Sau này, khi đảng viên Võ Nguyên Giáp ra Bắc hoạt động thì cụ Nguyễn Tạo bàn bạc với ông đổi tên tổ chức này thành "Tân Việt cộng sản đảng". Kể chuyện các vị tiền bối ngày trước, khi nhắc đến vị danh tướng, giọng nói của đại tá Sơn hào sảng và xúc động. Vậy mới hay có những điều dù qua rất nhiều năm tháng vẫn không thể phủ bụi thời gian lên ký ức con người.

Vào ngày 4-10-2013, tin dữ đến với người dân Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Không khí tiếc thương vô hạn bao trùm lên cả nước. Tôi và thầy Thái Quốc Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu ở Cam Lộ (Quảng Trị) về quê hương Đại tướng, đi viếng hương hồn người lính già của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn người dân từ trí thức đến doanh nhân, cựu chiến binh và cả những người lao động bình thường về viếng bằng xe riêng, xe đò, xe máy, tàu chợ... mới thấu hiểu được lòng dân đối với Đại tướng. Tất cả đều thành tâm và tự nguyện. Những câu thơ, câu đối về vị tướng của nhân dân bỗng bừng dậy gõ cửa trí nhớ bao người: "Văn lo vận nước văn thành võ/Võ thấu lòng dân, võ hóa văn", "Trăm tuổi lừng danh, Văn Đại tướng/ Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng".

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sân bay Buôn Ma Thuột trong chuyến thăm và làm việc của Đại tướng với tỉnh Đắk Lắk năm 1978. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nay cũng đã thành người thiên cổ đã có bài thơ "Bất tử" kính viếng Võ đại tướng: “Thánh Gióng về trời/Thánh Giáp về quê/Vì dân nước Người trở thành bất tử/Thành núi, thành mây, thành ruộng, đồng, sông, bể/Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông”...

Và cả việc Người chọn cho mình nơi an nghỉ vĩnh hằng ngay tại quê hương Quảng Bình, hướng về Biển Đông, để ngôi mộ trở thành nơi hành hương và là điểm du lịch tâm linh cũng là điều quý giá, nhắc nhở cho hậu thế. Nói như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thác là thể phách, còn là tinh anh!".

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.