Chi viện trên biển cho chiến trường Khu 5 đánh giặc
Đầu năm 1964, phong trào cách mạng trên chiến trường Khu 5 có những chuyển biến to lớn.
Ta liên tục đánh bại các cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa Nước Là (Quảng Nam), đồng thời chủ động nổ súng tiến công căn cứ Plei Mơ Rông (Kon Tum), đánh địch ở Kỳ Sanh (Quảng Nam), sau đó phục kích, tiêu diệt lực lượng địch đến cứu viện, bắn cháy 6 xe thiết giáp M113 - đây là lần đầu tiên bộ đội ta đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường.
Tháng 10-1964, trên địa bàn Quân khu 5 xảy ra ngập lụt diện rộng, gây tổn thất lớn cho quân và dân ta, nhu cầu về lương thực, vũ khí trang bị vốn đã khó khăn nay càng trở nên rất bức thiết.
Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu mở bến, thực hiện chi viện vũ khí cho Quân khu 5.
So với ở Nam Bộ, đường biển từ miền Bắc vào Quân khu 5 gần hơn, tuy nhiên địa hình bờ biển các tỉnh duyên hải miền Trung lại trống trải. Tại các cửa sông lớn mà tàu thuyền của ta có thể ra vào, cập bến, địch đều triển khai lực lượng chốt giữ hoặc xây đồn bốt kiên cố bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Ngoài khơi, tàu chiến, ra đa, máy bay địch cũng kiểm soát rất gắt gao… khiến việc triển khai đặt bến của ta gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức nhiều đội công tác bí mật đi dọc bờ biển để đánh giá, khảo sát địa bàn.
Sau nhiều lần cân nhắc, ta xác định được các bến Bình Đào (Quảng Nam), Ba Làng An, Đạm Thủy, Đức Phổ (Quảng Ngãi), bến Lộ Diêu (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hòn Hèo (Khánh Hòa)... tương đối an toàn, có thể bí mật tổ chức giao nhận hàng. Đây đều là những bến ngang, nằm trong vùng có phong trào cách mạng phát triển, xung quanh có nhiều đồi cát, hang đá tự nhiên, rất thuận tiện cho việc cất giấu hàng hóa, vũ khí.
Theo hiệp đồng, mỗi khi đón tàu không số, các bến mới được triển khai lực lượng xây cầu cảng. Việc xây cầu và nhận hàng đều phải thực hiện trong đêm tối, nhận xong lập tức tháo gỡ cầu cảng, xóa mọi dấu vết. Hàng thả xuống đến đâu, bộ đội lại lấy bao cát đưa lên tàu đến đó nhằm đảm bảo trọng lượng và độ choán nước của tàu, không để địch nghi ngờ, chú ý.
Với cách làm này, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục chuyến tàu không số đã cập bến thành công, góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bám trụ, đánh địch, làm nên nhiều chiến thắng vang dội.
Du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử tại bia tưởng niệm các chiến sĩ "Tàu không số" 235 ở Hòn Hèo, Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa. |
Sau nhiều chuyến hàng chi viện cho chiến trường Quân khu 5 thành công, ngày 1-2-1965, Tàu 143 xuất phát chở 63 tấn hàng vào bến Lộ Diêu (Bình Định). Một tuần sau, khi tàu vào đến Bình Định thì gặp địch chốt chặn nên phải chuyển hướng, chạy thẳng vào Vũng Rô (Phú Yên) song bị địch nổ súng đánh phá ác liệt.
Xác định yếu tố bí mật của những Đoàn tàu không số đã không còn, các chiến sĩ phải thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển để đối phó với kẻ địch, quyết tâm chi viện cho chiến trường lớn miền Trung và miền Nam.
Ngày 29-2-1968, trong chuyến chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo (Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa), Tàu C235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng bị địch phát hiện. Cán bộ, chiến sĩ vừa bí mật thả hàng, bảo vệ bến vừa kiên cường nổ súng đánh trả, bắn cháy một tàu địch.
Trận chiến không cân sức, nhiều cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 lần lượt trúng đạn. Sau khi đưa các đồng đội hy sinh và bị thương vào bờ, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ quyết định quay lại hủy tàu. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến Tàu C235 đứt đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân.
Trận ấy, anh Nguyễn Phan Vinh cùng 13 đồng đội tàu C235 anh dũng hy sinh, hóa thân vào biển cả. Ngày 25-8-1970, anh Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đường Hồ Chí Minh trên biển và những chuyến tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường Quân khu 5 nói riêng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường. Công tác chi viện trên biển cho chiến trường Quân khu 5 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ý nghĩa.
An Khang
Ý kiến bạn đọc