Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về con tàu trở thành biểu tượng trên Huân chương Cách mạng Tháng Mười

15:34, 25/11/2021

Trong lần đến nước Nga vào mùa hè năm 2019, tôi đã được chiêm ngưỡng con tàu huyền thoại - Con tàu với những chiến công lừng lẫy nổi tiếng thế giới và đã được coi là biểu trưng của Cách mạng Tháng Mười Nga - chiến hạm Rạng Đông.

Lần đầu tiên nhìn thấy con tàu tôi thật sự xúc động vì không nghĩ có ngày mình lại được chiêm ngưỡng “huyền thoại” trong đời thực như thế. Chiến hạm Rạng Đông là tàu thủy chiến hiện đại bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Quả thật con tàu nhìn rất to lớn và đầy uy lực.

Tàu hạ thủy ngày 24/5/1900 (nhằm ngày 11/5/1900 theo lịch Nga cũ), được thiết kế với chiều dài 126,8 m, rộng 16,8 m, chiều cao thân tàu 6,4 m. Tàu vận hành bởi hệ thống động cơ hơi nước có công suất 11.610 mã lực, tổng lượng giãn nước là 7.130 tấn, có thể đạt vận tốc 19,2 hải lý/giờ (35,5 km/h). Tàu chiến này chở được cả đội quân hùng hậu với 578 thủy thủ và được lắp đặt 14 ụ pháo 152 mm, 24 ụ pháo 75 mm, 3 ống phóng ngư lôi, 4 hệ thống pháo phòng không…

Chiến hạm Rạng Đông giờ đây đã trở thành chi nhánh bảo tàng thuộc Bảo tàng Hải quân Nga - một chứng nhân lịch sử luôn thu hút khách du lịch tại TP. Saint Petersburg. Kể từ năm 1957 đến nay đã có khoảng hơn 30 triệu lượt khách đến tham quan con tàu. Ngoài việc trở thành tàu bảo tàng, một phần của con tàu vẫn là nơi trú đóng của đơn vị hải quân Nga có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc con tàu và tham gia các nghi lễ của quân đội, nhà nước.

Chiến hạm Rạng Đông neo đậu trên sông Neva là điểm thu hút khách du lịch khi đến Nga.

Không chỉ nổi tiếng là con tàu đồ sộ, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ mà chiến hạm Rạng Đông còn khiến mọi người ngưỡng mộ bởi những chiến công mang dấu ấn lịch sử của nó.

Năm 1903, chiến hạm Rạng Đông được biên chế vào lực lượng Hải quân Đế quốc Nga và tham gia chiến đấu ở vùng biển Baltic, mặc dù ý định ban đầu là dành con tàu cho việc tăng cường khả năng chiến đấu của hạm đội Nga ở Viễn Đông. Năm 1905, tàu Rạng Đông tham gia tích cực vào trận chiến Tsushima với Hải quân Nhật Bản. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, chiến hạm Rạng Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Baltic.

 Đến cuối năm 1916, tàu di chuyển đến TP. Saint Petersburg để sửa chữa. Trong năm 1917, thành phố này tràn ngập không khí cách mạng, một bộ phận thủy thủ tàu đã quyết định tham gia Cách mạng Tháng Hai Nga. Sau đó, Ủy ban Cách mạng được thành lập trên tàu, hầu hết thủy thủ đoàn đã tham gia Đảng Bôn sê vích, chuẩn bị cho cuộc cách mạng của những người cộng sản. Vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 7/11/1917 (ngày 25/10 theo lịch Nga cũ), chiến hạm Rạng Đông đã nã phát pháo đầu tiên, phát hiệu lệnh tấn công Cung điện Mùa Đông, mở đầu Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của Sa hoàng Nikolai II và vương triều Romanov trị vì hơn 300 năm ở nước Nga. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi, tàu hoạt động với vai trò huấn luyện của Hạm đội Baltic.

Tháng 11/1927, chiến hạm Rạng Đông được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, chiến hạm Rạng Đông và thủy thủ đoàn lại tiếp tục tham gia bảo vệ Leningrad (nay là TP. Saint Petersburg) chống lại quân phát xít Đức. Năm 1941, do bị nhiều đạn pháo bắn trúng, tàu bị thủng, ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu. Năm 1944, tàu được trục vớt, sửa chữa. Cũng từ đây, con tàu đã hoàn thành sứ mệnh tham gia chiến đấu.

Hình ảnh con tàu chiến hạm Rạng Đông trên Huân chương Cách mạng Tháng Mười.

Từ tháng 11/1948, chiến hạm Rạng Đông được neo đậu ở “bến đỗ vĩnh cửu” trên sông Neva thơ mộng. Năm 1957, tàu chuyển thành chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Liên Xô. Ngày 22/2/1968, chiến hạm Rạng Đông được trao tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười - Huân chương mang biểu tượng chính là hình ảnh của chiến hạm Rạng Đông.

Chiến hạm Rạng Đông - là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng đẹp gắn liền với sức mạnh và ý chí ngoan cường, quả cảm của những người Bôn sê vích đã làm nên Cách mạng Tháng Mười Nga - một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.