Dã tâm của Pháp và lời hịch cứu nước của Bác Hồ
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đặt dấu mốc quan trọng, mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam – thời đại “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Thế nhưng, chỉ sau hơn hai tuần tuyên bố độc lập, với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa, thực dân Pháp đã lộ rõ nguyên hình là kẻ thù nguy hiểm nhất, đặt chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng trước những khó khăn chồng chất, mà nghiêm trọng nhất là sự hiện diện của hơn 30 vạn quân của các nước đế quốc dưới danh nghĩa Đồng Minh đang bao vây, cô lập ta từ mọi phía, nhằm thủ tiêu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ trong trứng nước, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn dập kéo tới. Bọn ở gần, bọn ở xa. Chúng khác nhau về màu da, tiếng nói, nhưng rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính nước ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ”.
Ngay từ cuối năm 1945, Đảng ta thực hiện các sách lược mềm dẻo, khôn khéo với từng kẻ thù, tránh sự xung đột có thể xảy ra để ta có đủ thời gian và lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài với thực dân Pháp chắc chắn sẽ nổ ra. Đối với 20 vạn quân Tưởng (Trung Hoa Dân quốc), ta chủ trương “Hoa - Việt thân thiện”, chấp nhận nhượng bộ một số quyền lợi về kinh tế, chính trị cho chúng nhằm tránh cuộc xung đột quân sự lớn ở miền Bắc, tập trung sức lực để đấu tranh chống thực dân Pháp đang gây chiến tranh ở miền Nam. Sang đầu năm 1946, các nước đế quốc thỏa thuận để cho Pháp độc chiếm Đông Dương thông qua Hiệp ước Trùng Khánh, đồng ý cho Pháp kéo quân ra miền Bắc thay thế quân Tưởng, đổi lại phía Pháp sẽ nhượng lại các quyền lợi kinh tế và tô giới cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc…
Đứng trước tình hình phức tạp này, ta lại chuyển hướng sách lược “hòa để tiến”, chấp nhận hòa hoãn với thực dân Pháp thông qua Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), rồi cuộc Đàm phán tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (tháng 5/1946), đỉnh cao là Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô (tháng 7 đến tháng 9/1946) và cuối cùng là Tạm ước 14/9/1946, được ký kết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ trưởng thuộc địa Pháp Moute, nhằm loại bớt kẻ thù, mượn tay Pháp để đuổi quân Tưởng về nước và cố gắng giải quyết cuộc xung đột Pháp - Việt bằng biện pháp hòa bình, chí ít cũng trì hoãn cuộc chiến tranh để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng cho toàn quốc kháng chiến.
Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Còn phía Pháp, họ luôn tỏ ra ngang ngược, bất chấp những điều khoản đã được ký kết, dùng sức mạnh và vũ lực để xâm phạm quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Từ giữa tháng 11/1946, thực dân Pháp cho quân khiêu khích, quấy rối ta tại các thành phố lớn ở miền Bắc, tiến hành tàn sát dã man người dân vô tội. Đặc biệt trong hai ngày 18 – 19/12/1946, tướng Pháp Moclier liên tiếp chuyển cho Chính phủ ta những tối hậu thư ngang ngược, đòi ta phải hạ vũ khí, phá bỏ những công sự, rào chắn trên các đường phố để quân Pháp tự do đi lại; buộc trao cho chúng quyền giữ gìn trật tự trị an ở Thủ đô… Trước tình hình gay cấn đó, Đảng ta khẳng định: “Sự thật đã chứng minh rằng, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”.
Đến lúc này, mọi nỗ lực nhằm cứu vãn nền hòa bình của dân tộc Việt Nam đã bị thực dân Pháp dập tắt, buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào ngày 18/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) để bàn biện pháp cứu nước. Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống lại sự tái xâm lược của thực dân Pháp. Đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Và ngay trong đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” – Lời hịch cứu nước, hiệu triệu đồng bào cả nước cùng các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược.
Mở đầu Lời kêu gọi, Người nêu lên thiện chí và mong ước hòa bình của dân tộc Việt Nam: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Người khẳng định rõ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lúc này: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và hiệu triệu các giới đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” và khẳng định niềm tin tất thắng “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Bằng niềm tin đó, sau chín năm trường kỳ kháng chiến, với phương châm “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, quân và dân ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ rực rỡ tên vàng, chấn động khắp năm châu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve, tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Nguyễn Đình Dũng
Ý kiến bạn đọc