Multimedia Đọc Báo in

Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Dấu ấn chỉ đạo chiến lược sắc bén, kịp thời của Đảng

08:08, 29/04/2022

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là kết tinh sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến bền bỉ, kéo dài 21 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, chứng minh đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, kịp thời của Đảng.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình chiến trường, tình hình quốc tế và nước Mỹ đã biến chuyển thuận lợi, tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, Bộ Chính trị kịp thời đánh giá thời cơ chiến lược và kiên quyết chớp thời cơ, xác định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị họp Hội nghị bàn nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trong hai năm 1975 - 1976. Đợt một họp đến ngày 8/10/1974. Bộ Chính trị tập trung phân tích tình hình quốc tế, đánh giá thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để xác định quyết tâm chiến lược, Bộ Chính trị thận trọng cân nhắc và nhận định: “Mỹ không có khả năng quay lại miền Nam”, đồng thời khẳng định “dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng”.

Trên cơ sở phân tích toàn diện, Bộ Chính trị chỉ rõ quân và dân Việt Nam đang có thời cơ, đây là thời cơ thuận lợi nhất để hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác.

Với tinh thần kiên quyết chớp thời cơ, Bộ Chính trị xác định quyết tâm động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đội Việt Nam Cộng hòa, đánh đổ chính quyền ngụy ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất đất nước.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị họp đợt hai, tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc họp sắp kết thúc thì các lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long (ngày 6/1/1975), nhưng Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa không có phản ứng gì. Trận "trinh sát chiến lược" Phước Long cho thấy khả năng đối phó rất hạn chế của Mỹ và sự suy yếu của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Bộ Chính trị đi sâu phân tích so sánh lực lượng trên chiến trường, khẳng định “thế của địch ngày càng xấu, lực của địch ngày càng suy”, và quyết định “phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”, và nêu rõ “phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Trận quyết chiến chiến lược này là một sự nghiệp trọng đại. Nó sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần làm thay đổi cục diện ở Đông Dương, Đông Nam Á, mở ra bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới. Đảng ta quyết làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả… Chúng ta nhất định thắng".

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến trường Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975, với trận then chốt mở màn là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Chỉ sau không đầy hai ngày chiến đấu, đến 10 giờ 30 ngày 11/3/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là đòn phủ đầu điểm trúng huyệt kẻ thù, làm cho toàn bộ hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở Tây Nguyên bị rung chuyển mạnh. Trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Bộ Chính trị chỉ đạo hai đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định. Phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự nhằm tranh thủ thời cơ thuận lợi, mà về mặt đối ngoại, việc thực hiện phương châm này có tác dụng ngăn chặn triệt để khả năng can thiệp bằng mọi biện pháp từ bên ngoài trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp lúc bấy giờ.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục tiến quân theo kế hoạch “với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng". Tuy nhiên, khi các binh đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khóa chặt mọi cửa ngõ ra vào Sài Gòn, trong hai ngày 28 và 29/4/1975, bầu trời Sài Gòn được bỏ ngỏ để Mỹ có thể dùng máy bay trực thăng chở nốt những người “di tản” và những người Mỹ còn sót lại ở Sài Gòn mà không bị tiến công.

Những quyết sách của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện tầm cao trí tuệ và trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và dân tộc. Đó cũng là sự phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, vừa kế thừa những di sản truyền thống của dân tộc, vừa phát triển độc đáo, sáng tạo với tinh thần tiến công liên tục, quyết thắng và chắc thắng. Thực hiện sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, linh hoạt và kiên quyết của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; từng bước phân hóa, cô lập kẻ thù, kết hợp với tổng tiến công và nổi dậy, làm tan rã quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, quét sạch cơ đồ thực dân mới của đế quốc Mỹ, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.