Multimedia Đọc Báo in

Lưu danh những nữ kiện tướng gùi hàng

15:51, 23/03/2022

Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu 5) được thành lập tháng 3/1968, với biên chế hơn 600 cô gái đang tuổi xuân thì, do chị Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, được nhân dân đất Quảng và Khu 5 yêu mến gọi bằng tên “Tiểu đoàn bà Thao”.

Mỗi năm hướng đến kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các nữ cựu quân nhân một thời “Vai trăm cân, chân vạn dặm” lại cùng nhau ôn những kỷ niệm sâu sắc của thời kỳ bền bỉ làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội ăn no đánh thắng, làm nên huyền thoại về “Đội quân tóc dài” của miền Trung khói lửa.

Ngày ấy, nếu như mức gùi hàng bình quân của mỗi nữ quân nhân đạt từ 60 - 80 kg, thì hai nữ kiện tướng Trần Thị Lâu và Nguyễn Thị Huấn của “Tiểu đoàn Bà Thao” thường xuyên duy trì ở mức hơn một tạ.

Hai nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao (bên trái) và Nguyễn Thị Huấn.

Chị Trần Thị Lâu là Chính trị viên phó Đại đội 3. Chị là người con vùng đèo Răm của đồng đất Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Xung kích đi đầu trong công tác, năm 1969 chị đạt 274 ngày công vận chuyển với 19 tấn 760 kg hàng. Năm 1972, bắt đầu vào mùa mưa rừng Trường Sơn, Đại đội của chị trên đường gùi hàng phải vượt qua suối Nước Chè ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Nước suối đang lớn, chảy mạnh, nhiều chiến sĩ sức yếu không dám cõng hàng vượt qua. Trước hoàn cảnh đó, bằng sự gương mẫu, dũng cảm của mình, chị Lâu xung phong đi trước sang bờ bên kia để buộc dây rừng hỗ trợ cho đồng đội đi sau. Song, phần vì đuối sức, phần vì gùi hàng rất nặng, khi chị mới đến giữa suối thì một dòng nước lũ bất ngờ ập đến… Chị vĩnh viễn ra đi khi mới ngoài hai mươi tuổi. Đồng đội mai táng chị ngay bên bờ suối Nước Chè. Ngày ngày các chiến sĩ Tiểu đoàn 232 cõng hàng ngang qua, đều kính cẩn đặt lên nấm mộ của người con gái Quế Sơn ưu tú ấy một bó hoa rừng tỏ lòng khâm phục, tiếc thương vô hạn. Tấm gương hy sinh dũng cảm của chị như đóa hoa ngát hương, cổ vũ đơn vị “vai thêm cân, chân thêm chuyến”. Những cựu quân nhân Tiểu đoàn 232 hôm nay vẫn nhớ những câu thơ mộc mạc, giản dị dành tặng chị Trần Thị Lâu: “Lâu ơi có thấy rộn ràng/Là xe mình đó, chở hàng thay em/Mồ em chẳng lạnh hương nguyền/Tình em trang trải khắp miền nước non”.

Còn Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn quê ở làng Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cao 1,55 m, vóc dáng mảnh mai, đã làm nên điều phi thường: Mang vác lượng hàng nặng gấp hơn hai lần trọng lượng cơ thể của mình. Đó là vào đầu năm 1972, đơn vị được giao vận chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có súng cối 120 mm vừa nặng, vừa cồng kềnh, gùi cá nhân không nổi mà hai người khiêng leo dốc cao không bảo đảm an toàn. Xung phong nhận trách nhiệm này về mình, suốt đêm đó chị Huấn thức trắng, tìm mọi cách buộc dây, gùi thử. Lúc đầu đứng dậy không nổi vì đế súng nặng 125 kg, chân đế lại đưa ra ngoài rất vướng. Gần sáng, chị mới tìm ra cách chèn thêm gỗ vào. Hôm sau, được đơn vị bố trí 2 chiến sĩ đi trước phát cây dọn đường, chị đã gùi đế cối vượt qua khe Chín Khúc, leo qua ngọn đồi Thanh Sơn đến được điểm giao hàng đúng thời gian quy định. Lần khác, chị gùi nòng súng ĐKZ 75 mm rất dài, vừa đi vừa cầm dao phát dây leo trên đầu, có lúc bị vấp ngã, cả người lẫn hàng đều lăn xuống dốc…

Các nữ cựu quân nhân Tiểu đoàn 232 chia sẻ: Với những chuyến hàng đặc biệt rất nặng, cồng kềnh lại đòi hỏi phải nhanh, có chị Huấn đi, chị em rất tin tưởng vận chuyển sẽ an toàn, thành công. Bây giờ tính lại, trong 4 năm công tác tại Tiểu đoàn (1968 - 1972), mỗi năm chị Huấn mang trên vai gần 20 tấn hàng, liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, chị Huấn tâm sự: “Chúng tôi ai cũng dốc sức vì ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để sớm được trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình. Ngày ấy ai cũng tâm niệm “Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”.

Năm 2010, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn cùng Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao và tập thể đơn vị đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. “Bom thù, mưa dội, đường trơn/ Hàng em vẫn xẻ Trường Sơn đi về” – những “bông hồng thép”, kiện tướng gùi hàng đất Quảng của Tiểu đoàn 232 như những ngôi sao rực sáng của thời kỳ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay học tập, noi theo.

Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.