Multimedia Đọc Báo in

Môn lịch sử nhìn từ vị thế địa - chính trị của đất nước

15:11, 15/05/2022

Nếu so sánh, sẽ thấy lịch sử Việt Nam rất khác biệt so với lịch sử của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Sự khác biệt đó, theo cựu nhà giáo, TS. Nguyễn Quang Cương là “bởi nó, ánh lên từ nhiều vỉa tầng máu, của bốn ngàn lớp người, suốt dọc dài lịch sử”.

Quả là không sai khi nói lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc kháng chiến và khởi nghĩa chống ngoại xâm từ khi dựng nước cho tới nay. Điều đó cho thấy vị thế địa – chính trị của đất nước hết sức đặc biệt khiến các thế lực ngoại xâm luôn thèm khát, nhòm ngó. Xưa đã thế và nay vẫn thế.

Giữ cho đất nước trường tồn đến hôm nay và cả mai sau trước hết là “nhân dân bốn cõi một nhà” (lời của Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô đại cáo") với truyền thống văn hiến ngàn đời, ngày càng được vun đắp qua mỗi thế hệ.

Truyền thống văn hiến đó, trước hết là lòng yêu nước, là ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc được thử thách, hun đúc mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Những chiến công hiển hách gắn liền với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầy hy sinh, gian khổ mà thời nào cũng có, chính là sức mạnh, là động lực để các thế hệ người Việt vượt qua mọi thử thách cam go đi đến thắng lợi cuối cùng, giữ vẹn nguyên đất nước. Đó là lịch sử.

Bởi thế, năm 1942, sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, vừa đặt chân về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Người có lý có tình. Cái lý của thực tiễn đấu tranh giữ nước, cái tình của đạo lý dân tộc uống nước nhớ nguồn. Con người ta sống ở đời phải hiểu rõ nguồn cội, không chỉ dòng tộc mà cả non sông đất nước. Chỉ khi hiểu rõ nguồn cội mới có ý thức trách nhiệm, mới nung nấu cho mình ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc mỗi khi đất nước bị xâm lăng.

Học sinh tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Huyền Nhung
Học sinh tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Huyền Nhung

Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến nay, dù đã trải qua mấy lần cải cách, môn lịch sử trong giáo dục nước nhà luôn là môn cơ bản và bắt buộc. Với học sinh THPT, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng bởi tâm sinh lý của các em đang phát triển đến độ chín, có đủ năng lực nhận biết một cách đầy đủ cả về lý trí và tình cảm lịch sử của dân tộc, truyền thống văn hóa của cha ông.

Cố GS. Phan Huy Lê cho rằng, sử học không những là cơ bản, nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, mà còn là môn thâm nhập vào mọi ngành khoa học khác, kể cả khoa học tự nhiên và xã hội. Với vị thế đó, GS. Lê khẳng định: không thể bỏ môn lịch sử được, phải là độc lập, bắt buộc.

Nhân đây, xin nêu bài học còn rất mới của Hàn Quốc.

Từ năm 2005, Hàn Quốc cũng cho phép môn lịch sử trong khối phổ thông là môn tự chọn. Kết quả là tỷ lệ đăng ký học lịch sử giảm dần theo thời gian. Theo số liệu khảo sát năm 2013, có tới 52% học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Trước sự thật cay đắng đó, một tờ báo Hàn Quốc bình luận: "Lịch sử đã bị lãng quên, cần được giáo dục đúng mức". Hàn Quốc buộc phải đưa lịch sử trở lại là môn học giáo dục bắt buộc vào năm 2017.

Từ câu chuyện của Hàn Quốc có thể thấy, điều lo ngại của dư luận là hoàn toàn có cơ sở. Các nhà biên soạn chương trình liệu đã lường trước khả năng này chưa?

Hoàng Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.