Chuyện cảm động của Bác Hồ đối với thương binh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân Ngày Thương binh tử sĩ (27/7/1952), Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Cho nên “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người căn dặn “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”…
Tình thương yêu của Bác Hồ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ vô cùng chân thành và sâu sắc, bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực với tâm niệm “Dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thương binh, gia đình liệt sĩ”, xin dẫn lại hai câu chuyện cảm động dưới đây[1].
Để Bác quạt cho thương binh
Tháng 7/1952, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại. Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.
Bác Hồ đến thăm Trại thương binh hỏng mắt Hà Nội (7/1952). Ảnh tư liệu |
Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh, bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng vào gần Bác, vừa quay lại thì Bác cũng đi tới… Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón đồng chí thương binh.
Hình như có linh cảm đặc biệt, đồng chí thương binh hỏng mắt bước tới ôm chầm lấy Bác, nghẹn ngào hai tiếng “Bác ơi”. Hai dòng nước mắt lăn xuống gò má còn chưa lành hẳn vết thương… Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.
Bác đến từng giường anh chị em ốm nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm? Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói: “Để Bác quạt!”.
Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui. Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hoà nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh.
Đem điều hòa nhiệt độ của Bác lắp cho trại điều dưỡng thương binh
Chiếc máy điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng.
Mặc dù vậy, nhưng khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hòa nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”.
Đây là hai mẩu chuyện cảm động trong nhiều câu chuyện thể hiện tình thương yêu của Bác đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, là minh chứng sinh động về phong cách, đạo đức nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, càng hiểu rõ tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ suốt đời đồng cam cộng khổ với dân, chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước.
Minh Đăng
-------------------
[1] Theo “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ”, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2003
Ý kiến bạn đọc