Multimedia Đọc Báo in

Tên các anh đã thành tên đất nước

08:52, 24/07/2022

Nhằm giữ bí mật tuyệt đối không để kẻ địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu. Thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống trước khi khởi hành.

Sau “Sự kiện Vũng Rô” (16/2/1965), tuyến đường vận chuyển chiến lược trên biển của ta đã bị địch phát hiện. Kẻ thù quyết tâm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược này.

Ngày 3/3/1965, Tướng William Westmoreland - Tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã phê chuẩn chiến dịch “Chống thâm nhập” mang mật danh “Market time”, nhanh chóng tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa trên biển, trên không và bờ biển.

Chúng huy động lực lượng hùng hậu, đủ mọi phương tiện, kết hợp chặt chẽ giữa các loại tàu lớn, tàu nhỏ, máy bay, các đài, trạm radar quan sát và các lực lượng trên bờ, hình thành một hệ thống kiểm soát nhiều vòng, nhiều lớp với mật độ tuần tiễu ngày càng cao, phạm vi ngày càng rộng, tạo thành một phòng tuyến khép kín từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Tàu địch rình rập khắp nơi, sẵn sàng bao vây, áp sát, nhả đạn vào bất cứ tàu, thuyền nào nghi là tàu của miền Bắc.

Viếng đồng đội tại địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).

Những chuyến chở hàng chi viện trong thời gian này của Đoàn tàu không số phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thử thách. Để tiếp tế vũ khí, đạn dược cho quân và dân ta kịp thời chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu gửi một kế hoạch “tuyệt mật” tới Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125.

Theo kế hoạch đó, từ ngày 25 đến ngày 27/2/1968, bốn tàu C165, C235, C43, C56 lần lượt lên đường. Tàu C165 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), tàu C235 vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa), tàu C43 vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi), tàu C56 vào Giao Lộ (Bình Định). Với phương châm: dũng cảm, thận trọng, táo bạo, ngoan cường, trong vòng 7 ngày những người lính cảm tử của Đoàn tàu không số đã mưu trí, dũng cảm vượt qua vòng vây, đưa hàng vào Nam, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đêm 25/2/1968,  tàu C165 gồm 18 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương chỉ huy, chở 64 tấn vũ khí xuất phát từ căn cứ A2 đến bến Vàm Lũng (Cà Mau). Trên đường đi, tàu nhiều lần bị máy bay trinh sát địch rà thấp, theo bám.

Ngày 29/2, khi đến vị trí 8045 vĩ bắc và 1050 kinh đông, tàu bị 8 tàu chiến địch bao vây, nổ súng uy hiếp, gọi hàng hòng bắt gọn tàu và thủy thủ đoàn. Khi thấy tàu ta sẵn sàng chiến đấu, địch nổ súng dữ dội, đồng thời huy động máy bay đến hỗ trợ đánh phá.

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, bộ đội đã bình tĩnh đưa tàu vào gần bờ, nhanh chóng đổ hàng xuống biển để cho bến ra vớt sau. Tiếp đó, chờ tàu địch đến gần mới điểm hỏa cho nổ tàu. 18 cán bộ, chiến sĩ tàu C165, trong đó có 15 đảng viên đã anh dũng hy sinh cùng với con tàu.

Cán bộ chiến sĩ tàu C43.

Ngày 26/2/1968, tàu C56 rời căn cứ A3 với 17 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và Chính trị viên Đỗ Như Sạn quyết tâm đưa 37 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu (Bình Định). Trên đường đi tàu C56 bị tàu địch liên tục bám theo. Trong tình thế tàu địch đông, hỏa lực mạnh, có máy bay hỗ trợ, sở chỉ huy lệnh cho tàu về căn cứ.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 27/2/1968, tại cảng A3, tàu C43 rời bến. Trên tàu có 17 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, chở theo 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi).

Đến ngày 29/2, khi cách bờ 12 hải lý thì tàu bị 6 tàu địch bao vây, trên trời máy bay trực thăng quần đảo giám sát. Tàu C43 chuyển trạng thái vừa chiến đấu vừa cơ động vào bờ. Hỏa lực trên tàu đã bắn rơi một trực thăng, bắn cháy một tàu chiến địch. Thấy đồng bọn bị trúng đạn, các tàu địch vội giãn ra. Lợi dụng thời cơ, thuyền trưởng ra lệnh tập trung hỏa lực kiên quyết phá vòng vây, hướng vào bờ.

1 giờ sáng ngày 1/3, thuyền trưởng phân công đưa anh em thương binh, liệt sĩ lên bờ, rồi cùng hai thuyền phó ở lại hủy tài liệu, thực hiện phương án cuối cùng. Khối bộc phá phát nổ, tàu C43 cùng các đồng chí Phan Văn Rai, Vũ Xuân Ruệ và Võ Tòng Nho bùng lên như quả cầu lửa trước sự kinh hoàng của kẻ thù.

Trang sử vàng của Lữ đoàn 125 ghi rõ: Trong 14 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn 125 đã có 94 liệt sĩ, trong đó chỉ duy nhất một liệt sĩ tìm thấy hài cốt, còn lại tất cả đều gửi thân xác nơi biển sâu.

Cũng trong đêm 27/2/1968, tàu C235 nhổ neo rời bến tại cảng A3. Trên tàu có 20 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy, mang theo 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Sau 2 ngày hành quân thần tốc, 23 giờ ngày 29/2 cách Hòn Hèo 6 hải lý thì tàu C235 bị địch phát hiện. 5 tàu tuần tiễu địch dàn hàng bao vây nhằm ép tàu ta vào bờ để bắt sống. Trong tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng đã mưu trí lệnh cho tàu xả khói mù, tăng tốc lách qua giữa đội hình tàu địch vào được bến. Lập tức các bao hàng được đóng gói đặc biệt lần lượt thả xuống nước. Khi bao hàng cuối cùng vừa thả xong thì 8 tàu địch xuất hiện bao vây chặt phía ngoài. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa tàu C235 với các tàu địch đã diễn ra quyết liệt.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy tàu cơ động tránh địch, tìm cơ hội phá vây, vừa chỉ huy bộ đội đánh trả địch. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ác liệt, về phía ta 5 đồng chí đã hy sinh, 10 đồng chí bị thương trong đó có thuyền trưởng, một động cơ tàu hỏng, một số khoang nước đã tràn vào.

Nguyễn Phan Vinh quyết định cho anh em thương binh rời tàu, còn mình và một số đồng chí ở lại châm ngòi bộc phá rồi bơi vào bờ. 2 giờ 30 ngày 1/3, khối bộc phá trên tàu C235 phát nổ, sức công phá chấn động đến tận TP. Nha Trang.

Trong trận chiến đấu này, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã anh dũng hy sinh. Sau này, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tên anh được đặt cho hòn đảo san hô ở tọa độ 8056’ vĩ độ Bắc và 113038’ kinh độ Đông thuộc Quần đảo Trường Sa.

Nguyễn Xuân Tình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.