Vang mãi khúc quân ca Trường Sa
Từ năm 1983 đến năm 1987, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều thanh niên tuổi đời mười tám, đôi mươi đã hăng hái lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn 126, thuộc vùng 3 Hải quân đóng ở Trường Sa.
Giờ đây, tuy trở về cuộc sống đời thường đã lâu nhưng trong lòng những chiến sĩ vùng 3 Hải quân năm xưa vẫn vang vọng những lời ca trong bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”: “Biển này là của ta, đảo này là của ta. Trường Sa, dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”.
Tháng 3/1983, ông Nguyễn Đắc Hiếu (hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) buôn H’Drat, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) nhập ngũ vào binh chủng Hải quân. Ngày 10/1/1984 ông được chuyển về đơn vị Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân, thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông. Ông kể, ngày ấy nhìn từ xa đảo như một lò vôi, mỗi năm chỉ một tháng mưa. Nước ngọt rất khan hiếm, sau khi tắm nước biển mỗi chiến sĩ chỉ được “cấp” 1 lon nước ngọt đủ để làm ướt khăn lau lại cơ thể, lúc đầu chưa quen da ai cũng bị ngứa, lở loét cả tuần sau mới thích ứng được. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều hạn chế, ngày Tết anh em chia nhau từng phong lương khô. Gian khổ là thế mà tình đồng đội, tình quân dân gắn bó keo sơn. Làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn là vậy nhưng trong lòng ông Hiếu và đồng đội lúc nào cũng dâng trào niềm tự hào, quyết tâm giữ vững biển trời Tổ quốc.
Tháng 6/2022, ông Hiếu cùng đồng đội có dịp trở lại thăm Trường Sa. Ông vô cùng xúc động không chỉ bởi bao kỷ niệm ùa về mà còn bởi quần đảo ngoài khơi xa của Tổ quốc bây giờ đã khang trang, hiện đại hơn rất nhiều, với những ngôi nhà cao tầng, những đứa trẻ tung tăng đi học, trên đảo đã có bệnh xá khang trang với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, cùng nhiều thiết chế văn hóa khác...
Cựu chiến binh Nguyễn Đắc Hiếu (bên phải) và Nguyễn Văn Minh trong một lần hội ngộ. |
Với CCB Nguyễn Văn Minh (hiện ở phường Sơn Phong, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), những năm tháng nhập ngũ làm nhiệm vụ tại Hải đội 108 (vùng 3 Hải quân) đóng ở Trường Sa là những kỷ niệm vô giá mà suốt đời không thể nào quên. Ông nhớ lại: Sau sự kiện Gạc Ma (ngày 14/3/1988), lính Trung Quốc có ý đồ muốn chiếm thêm các bãi cạn ở đảo Sinh Tồn, đơn vị ông Minh gồm hai tàu phóng lôi HQ311 và HQ335 được điều động đến đảo Hòn Ông diễn tập bắn đạn thật. Tình hình chiến sự mỗi lúc càng căng thẳng, hai tàu phóng lôi của đơn vị ông được lệnh bí mật về ứng chiến tại đảo Đá Tây. Giữa lúc đó, ông nhận tin cha ở quê nhà từ trần nhưng không thể về thọ tang, đành lập bàn thờ cha ở mũi tàu thắp hương bái vọng… Hơn 2 năm xem “con tàu là nhà, biển đảo là quê hương”, dù gian khó hiểm nguy, nhưng ông Minh và đồng đội luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến ngày ra quân.
Những năm tháng ở Trường Sa cũng là kỷ niệm suốt đời không quên đối với CCB Huỳnh Kim Tân (quê ở Cẩm Kim, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Năm ấy, sau khi huấn luyện, phần lớn đều là lính công binh đến đảo xây dựng rồi rút về đất liền, riêng ông Tân được phiên chế về Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, trực tiếp ở đảo chìm Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Được trang bị một khẩu B41 cùng 4 viên đạn, hằng ngày ông Tân trực chiến trên nhà chồ 4 chân, cao 3,5 m bằng sắt (sau này được xây dựng lại thành nhà lâu bền, lục giác có 3 tầng). Ông kể: Ngày đó, tuy đơn vị có máy phát điện dầu diezen nhưng chủ yếu dùng phục vụ chiến đấu, nên mỗi khi trời nóng các chiến sĩ thường mắc võng nằm dưới tán cây bàng vuông. Vì thế, ông Tân và đồng đội là Trung sĩ Nguyễn Đình Hải quê ở Hải Phòng có thêm việc… đan võng. Vật liệu là những sợi dây neo tàu rất bền, to bằng khuỷu tay bị mắc dưới rạn san hô được hai ông lặn tìm mang về rồi tỉ mỉ tháo ra từng sợi để đan võng. Hơn 400 ngày “bám đảo”, hai ông đã đan được 14 chiếc võng, mỗi chiếc dài 2,5 m để tặng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị… Những chiếc võng đan từ sợi dây neo tàu ấy đã trở thành kỷ vật quý báu của nhiều người lính Trường Sa đến tận bây giờ…
Để ôn lại những ngày tháng “gian lao mà anh dũng” ở Trường Sa, hằng năm, các thế hệ CCB thuộc vùng 3 Hải quân lại tổ chức gặp mặt luân phiên ở nhiều địa phương khác nhau như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Bình, Hội An, Nha Trang, Phú Yên… Trong mỗi lần gặp mặt ấy, các CCB không chỉ ôn lại kỷ niệm mà còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như trao tặng những món quà sinh kế cho những gia đình liệt sĩ và CCB có hoàn cảnh khó khăn...
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc