Đắk Lắk mở đầu toàn quốc kháng chiến ở Tây Nguyên
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Đắk Lắk kể từ ngày bắt đầu nổ súng ở mặt trận Ba ranh giới, cho đến khi vỡ mặt trận Buôn Hồ kéo dài gần 7 tháng (từ ngày 30/11/1945 đến ngày 23/6/1946) là cuộc chiến đấu không cân sức và ta đã chịu nhiều hy sinh, tổn thất to lớn.
Nhưng, với tinh thần đoàn kết, đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng với lực lượng vũ trang sát cánh chiến đấu bao vây, tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược.
Với âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, ngày 4/10/1945, lấy cớ thăm lại công sở, đồn điền và lấy tư trang, một đoàn hiến binh Nhật đưa một số tên vốn là chánh, phó sứ, giám binh và thị trưởng Buôn Ma Thuột cũ, cùng bọn chủ đồn điền trước đây theo đường 21 tiến lên Buôn Ma Thuột. Chúng định dò la tình hình và nếu thuận lợi sẽ câu kết với bọn phản động để thực hiện mưu đồ đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng, chiếm lại Đắk Lắk. Nhận rõ ý đồ của địch, ta huy động hàng nghìn đồng bào, có tự vệ làm nòng cốt, với băng rôn, cờ, với khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp quay lại Việt Nam, quay lại Đắk Lắk. Trước thái độ kiên quyết của đại diện Việt Minh và áp lực mạnh mẽ của quân và dân ta, âm mưu của thực dân Pháp định lợi dụng quân Nhật mở đường để chiếm lại Buôn Ma Thuột bị thất bại.
Sáng 30/11/1945, quân Pháp với sự dẫn đường của máy bay đã hành quân bằng cơ giới bất ngờ phá vỡ phòng tuyến, chia cắt và đẩy lực lượng ta phân tán vào rừng, mất liên lạc với Sở chỉ huy tỉnh.
Sáng 1/12/1945, một phái đoàn của ta dùng xe con cắm cờ đỏ sao vàng xuống kiểm tra tình hình, lúc tới ngã ba Đắk Song thì bất ngờ bị địch dùng hỏa lực đánh cướp xe, rồi sử dụng xe con cắm cờ đỏ sao vàng của ta đi đầu, dẫn quân lần lượt đánh các trạm kiểm soát, tiến nhanh lên thị xã Buôn Ma Thuột.
Trưa 1/12/1945, quân địch chia làm nhiều mũi đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Toàn bộ thị xã hoàn toàn bị bất ngờ, bị động. Một phần phía tây của thị xã rơi vào tay địch. Trước tình thế bất lợi, các cơ quan, lực lượng của ta đã rút khỏi thị xã, tập hợp về vùng căn cứ ở khu vực CADA để bố trí lại lực lượng. Thực dân Pháp rút về Đắk Mil.
Sau khi quân Pháp rút về Đắk Mil, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phòng thủ, phân phát số vũ khí trong kho của Nhật cho bộ đội, tự vệ và nhân dân, kêu gọi nhân dân tản cư ra vùng ven, đồng thời di chuyển khẩn trương các cơ quan, phương tiện, tài liệu cần thiết về vùng căn cứ CADA để thực hiện chiến đấu lâu dài; gấp rút xây dựng các công sự, chướng ngại vật ở thị xã, dọc đường 14 và đường 21, chuẩn bị đánh sập cầu Sêrêpốk để ngăn chặn bước tiến của địch. Thực hiện chủ trương đó, dân quân tự vệ, thanh niên, học sinh, công nhân, viên chức và đồng bào thị xã đã dốc sức ngày đêm xây dựng trận địa, dựng vật cản trên đường phố…; các chốt phòng thủ trọng yếu ở khu vực Sêrêpốk, Buôn Hồ, M’Drắk, Buôn Ma Thuột được xây dựng.
Quân dân sử dụng voi chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào. (Ảnh: Nhà Xuất bản Thông tấn) |
Ngày 6/12/1945, địch sử dụng một binh đoàn bộ binh cơ giới có pháo binh, xe bọc thép yếm trợ, từ Ba ranh giới theo đường 14 tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Có sự chuẩn bị nên bộ đội, tự vệ và nhân dân ta đã chủ động chặn đánh địch, tuy nhiên do tương quan lực lượng nên quân ta chủ động vừa đánh, vừa rút lui khỏi trận địa, hình thành thế bao vây địch trong thị xã.
Ngày 25/11/1945, Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành thì Ban lãnh đạo tỉnh đã phát động phong trào toàn dân kháng chiến; củng cố các tuyến dọc Quốc lộ 14, 26, 27 nhằm ngăn chặn bước tiến của địch, đồng thời tổ chức các đội công tác vào phía nam, nhất là Đắk Mil, Ba ranh giới để bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, phát động nhân dân kháng chiến… Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột rơi vào tay địch, Bộ Chỉ huy Khu 6 đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương và điều một chi đội lên để cùng với các lực lượng tại chỗ chiến đấu giữ vững mặt trận Đắk Lắk, không cho chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng.
Tối 20/12/1945, Ban Chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột đã huy động lực lượng mở cuộc tiến công lớn vào thị xã từ ba hướng đông, nam và bắc, đánh vào các công sở, doanh trại địch, đánh chiếm sân bay, đồn bảo an và một số khu phố, phá hủy nhà cửa, máy móc, xe cơ giới, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Cuối tháng 12/1945, quân ta liên tiếp chặn đánh địch, đẩy chúng trở lại nội thị.
Cuối tháng 1/1946, Pháp đã đánh chiếm được hầu hết các vùng phía nam và phía tây thị xã, sử dụng Buôn Ma Thuột làm bàn đạp thực hiện âm mưu đánh chiếm Tây Nguyên và đồng bằng Nam Trung Bộ. Theo đó, một mặt, chúng cho quân theo đường 14 về phía bắc để tiến ra Pleiku; mặt khác, chúng tập trung binh lực đánh mạnh theo đường 21 ra phía đông nhằm tiêu diệt lực lượng của ta ở vùng CADA.
Ngày 25/1/1946, địch tập trung đánh mạnh vào phòng tuyến Phượng Hoàng - M'Drắk, để bảo toàn lực lượng, ta đã chủ động rút lui. Địch kiểm soát toàn bộ tuyến đường 21 và uy hiếp Nha Trang. Đến ngày 28/1/1946, hầu hết các cơ quan của tỉnh, quân và dân ta đã được rút về tây Ninh Hòa (Khánh Hòa), sau đó rút về Tuy Hòa, Phú Yên.
Ở hướng Buôn Hồ, cuộc chiến đấu của quân, dân ta cũng ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, đến ngày 23/6/1946, do mặt trận Gia Lai - Đông Bắc Campuchia bị vỡ, quân Pháp từ Pleiku đánh xuống, từ Buôn Ma Thuột đánh ra, buộc ta phải rút khỏi trận địa, chuyển xuống vùng Phú Yên, ra Phú Phong (Bình Định) để bảo toàn lực lượng. Toàn tỉnh Đắk Lắk rơi vào tay thực dân Pháp.
Sau khi chiếm đóng được Tây Nguyên, ngày 27/6/1946, thực dân Pháp gộp 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành một đơn vị hành chính riêng, với tên gọi là “Xứ Tây Kỳ tự trị” thuộc Cao ủy Pháp, thủ phủ đặt tại Buôn Ma Thuột, biến Tây Nguyên thành bàn đạp tấn công các tỉnh miền Trung và tiến quân ra Bắc. Từ đó, Đắk Lắk trở thành chiến trường ác liệt, là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt, dai dẳng giữa ta và địch trong từng khu vực, từng địa bàn chiến lược.
Đến năm 1947, tỉnh Đắk Lắk quyết định đưa lực lượng trở lại bám đất, bám dân, lãnh đạo kháng chiến, các cơ quan lãnh đạo ở các huyện thuộc địa bàn tỉnh lần lượt được tái lập. Từ đây, các cán bộ cách mạng mở rộng hoạt động, gây cơ sở chính trị, bám dân, từng bước vận động nhân dân, phát động chiến tranh du kích. Cũng từ đây, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk kiên cường bước vào thời kỳ chiến đấu với đường lối mà Đảng đã hoạch định, đó là: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh cùng quân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Có thể khẳng định, Đắk Lắk là địa phương mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc trên địa bàn Tây Nguyên, chặn từng bước tiến quân của thực dân Pháp dọc đường 14, tạo điều kiện cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời Đắk Lắk, Ban cán sự Đảng tỉnh và các tổ chức đảng chiến khu VI, Liên khu ủy V, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nam Trung Bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhất tề đứng dậy, đoàn kết chiến đấu với quyết tâm cao độ. Ngọn lửa truyền thống, khí phách chống giặc hào hùng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh lại bừng cháy trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc