Multimedia Đọc Báo in

Đến Huế vãn đền Huyền Trân công chúa

15:59, 25/01/2023

Huyền Trân công chúa (1287 - 1340) là một nhân vật lịch sử đặc biệt vào thời nhà Trần.

Năm lên 6 tuổi, công chúa mồ côi mẹ, lúc vừa trưởng thành đã sớm gánh nặng sự nghiệp non sông, vâng lệnh vua cha “nước non ngàn dặm ra đi”, lấy sứ mệnh nhu viễn để giữ yên bờ cõi, mang về cho Tổ quốc Đại Việt “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”. Công lao của Huyền Trân công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng Thuận Hóa xưa thật là to lớn.

Nhằm tưởng nhớ công lao mở đất của vị công chúa nhà Trần, Xuân năm 2007, nhân ngày giỗ của Bà (mồng 9 tháng Giêng), chính quyền và người dân Thừa Thiên - Huế khánh thành đền thờ Huyền Trân công chúa uy nghi trên núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây, TP. Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về phía tây nam.

Đền thờ Huyền Trân công chúa là công trình văn hóa tâm linh thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Thừa Thiên - Huế, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của công chúa Huyền Trân – vị sứ giả hòa bình năm xưa đã có công mở mang bờ cõi dần về phương Nam. Từ đó đến nay, Lễ hội Huyền Trân vào mồng 9 tháng Giêng hằng năm thu hút hàng vạn du khách thập phương về đây chiêm bái, tri ân công đức của bà.

Toàn cảnh Đền thờ Huyền Trân công chúa trên núi Ngũ Phong. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

Đền Huyền Trân công chúa được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 28 ha. Địa hình khu đất thoai thoải, kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xanh mướt, giữa bốn bề đồi núi điệp trùng. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể thu vào tầm mắt một khoảng không gian bao la, sơn thủy hữu tình, phía xa xa là dòng Hương giang thơ mộng. Giữa không gian bảng lảng của vùng đồi núi Ngũ Phong, đền thờ Huyền Trân công chúa uy nghiêm và huyền bí với những nét văn hoá kiến trúc tiêu biểu của thời Trần từ hoa văn, hoạ tiết cho đến 3 bức phù điêu trước mặt tiền đường, là biểu tượng của ý chí thống nhất non sông liền một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Theo con đường dẫn vào bên trong, trước cổng đền là bốn trụ biểu vươn cao, tiếp đến là khoảng sân rất rộng. Lối đi được lát gạch Bát Tràng, hai bên có hồ nước trong xanh soi bóng và chiếc cầu bắc qua dẫn đến chánh điện thờ Huyền Trân công chúa. Tất cả đều nằm trên một trục thẳng, tạo nên khoảng không gian thoáng đãng, thâm nghiêm. Bên trong chánh điện đặt pho tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm.

Ngày xuân du khách thăm đền Huyền Trân công chúa thành kính bái vọng tiền nhân.

Phía sau chánh điện là lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của Huyền Trân công chúa sau khi xuất gia tu hành). Khuôn mặt hiền từ của ni sư như ánh lên một nỗi buồn man mác, trầm tư trước thế thái nhân tình. Cùng với đó, tấm bia ký khắc trên tấm đá Thanh tạc nên hình ảnh công chúa Huyền Trân dấn thân mở cõi bảy trăm năm trước “Công chúa nổi tiếng thiên hương, tư chất thông minh, hiếu nghĩa vẹn toàn, ví như huyền ngọc quốc bảo…

Trải bước trên 246 bậc cấp theo con đường ngoằn ngoèo giữa những hàng cây xanh tỏa bóng, du khách đặt chân lên đỉnh núi Ngũ Phong, nằm ở độ cao 108 m so với mực nước biển là tháp chuông Hòa Bình. Giữa đỉnh núi cao, sừng sững tháp chuông mái hình lục giác in vẻ trầm mặc giữa nền trời xanh; chuông nặng 1,6 tấn, cao 2,16 m, thân chuông có khắc các hình ảnh tượng trưng của bốn ngôi chùa nổi tiếng: Giác Lâm (TP. Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (TP. Huế), Diên Hựu (TP. Hà Nội) và Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Đến với tháp chuông Hòa Bình, du khách gióng lên những hồi chuông vang vọng khắp đất trời, kiếm tìm sự bình an cho tâm hồn trong tiếng chuông thong thả, lan tỏa trong không gian tĩnh lặng, mang theo lời nguyện lành như tám chữ được khắc trên mặt chuông: “Thế giới – Hòa bình – Nhân loại – Hạnh phúc”, khiến lòng ta thanh thản bao nhiêu.

Tiếp nối không gian là đền thờ vua cha Trần Nhân Tông, người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Trong đền dựng bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3 m, nặng 2 tấn, được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần cùng nhiều bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức vua Trần Nhân Tông và hào khí Đông A rạng danh một thuở…

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.