Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định Paris và ký ức của các cựu tù

06:29, 30/04/2023

Tròn 50 năm trước, Nghị định thư trao trả tù binh của Hiệp định Paris được thực hiện, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước bị giam ở các nhà tù được trả tự do. Trong ký ức cựu tù, quãng thời gian bị giam cầm, nơi những “trường học cách mạng” giúp trui rèn, hun đúc thêm bản lĩnh, ý chí cách mạng.

Có mặt trong buổi gặp mặt Kỷ niệm 50 năm trao trả tù binh do Hội Người tù yêu nước tỉnh tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), hơn 150 cựu tù bồi hồi xúc động, nhớ về quãng thời gian bị giam cầm trong những “địa ngục trần gian” mà ở đó chỉ có tình yêu Tổ quốc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của cuộc chiến chính nghĩa mới giúp họ có thể vượt qua, đợi chờ ngày trở về đoàn tụ với gia đình cũng như tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước.

Cựu tù Nguyễn Thành Tính năm nay đã 72 tuổi bồi hồi nhớ lại: Năm 1971, khi đang hoạt động mật tại Tuy Hòa (Phú Yên) thì ông cùng hai đồng đội Phan Kiệm và Nguyễn Thử bị bắt giam ở nhà tù Quân lao (Nha Trang). Ở đó, trong một không gian chật chội, ẩm thấp, bẩn thỉu, ăn uống kham khổ, thiếu thốn, tất cả tù nhân đều nếm trải đòn roi, thủ đoạn tra tấn tàn khốc của kẻ thù như rút móng tay, chích điện, nung sắt dí vào người... Thế nhưng chúng vẫn không khuất phục được, bởi với những chiến sĩ cách mạng thì đòn roi hun đúc thêm ý chí, nhục hình tôi luyện thêm bản lĩnh, dũng khí. Ông Tính và tất cả các tù nhân khác đều một lòng kiên trung, không đầu hàng, phản bội dù biết có thể phải hy sinh. 

Các cựu tù gặp gỡ, trò chuyện trong dịp kỷ niệm.

Với ông Đặng Ngọc Năm, cựu tù đã trải qua ba nhà tù: Non Nước, Biên Hòa và Phú Quốc thì tổng thời gian 5 năm bị giam cầm đã trở thành “hành trang”, trường học quý, giúp người chiến sĩ trẻ lúc ấy chỉ mới 16 tuổi thêm trưởng thành. Ông kể, ở các nhà lao, nhất là nhà lao Phú Quốc, mọi thủ đoạn tra tấn của kẻ địch ông đều đã nếm trải, từ dùng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào mắt, đến nhúng vào thùng phuy nước hoặc bị dùng ván gỗ, ốc vít ép vào ngực và dùng búa đập… Vậy nhưng ông vẫn giữ vững ý chí, trung thành với cách mạng, quyết không khai báo, không làm lộ bí mật của đơn vị chiến đấu lúc ấy có mật danh là R20.

Đôi chân khập khiễng di chuyển khó khăn đến dự buổi lễ kỷ niệm, giọng ông Y Nương Niê run run khi nhắc lại chuyện cũ. Năm 1968, ông đang hoạt động tại khu H5 thì bị địch bắt, giam ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, sau đó chuyển về nhà tù Quân lao (Nha Trang). Trong ký ức của ông, thủ đoạn tra tấn tàn ác chẳng khác thời trung cổ, thử thách lớn nhất chính là bị chích điện. “Dòng diện mạnh, kẻ thù chích vào chân cho ngất đi, chúng dội nước tỉnh lại rồi lại tiếp tục”, ông kể. Hậu quả là đôi chân ông ngoài việc đi lại khó khăn, mỗi khi trái gió trở trời thì đau nhức, không di chuyển được…

Cũng như ông Tính, ông Năm, ông Y Nương,  biết bao chiến sĩ cách mạng bị giam giữ, chịu đựng đòn roi tra tấn của kẻ thù lúc bấy giờ khắc ghi trong tâm khảm lời thề trung thành với Tổ quốc, trụ vững trước mọi nhục hình của kẻ thù. Những tin vui chiến thắng ở bên ngoài liên tục báo về tiếp thêm động lực để họ vững tin vào niềm vui đại thắng, kiên nhẫn chờ đợi ngày trở về đoàn tụ với gia đình, đồng chí, đồng đội. Ngày ấy đã đến khi Hiệp định Paris được ký kết, hơn 26.700 tù binh, trong đó Đắk Lắk có hơn 1.000 người được trao trả ở nhiều địa điểm như: Đức Phổ (Quảng Ngãi), Bồng Sơn (Bình Định), Hố Nai (Đồng Nai), Lộc Ninh (Bình Phước)...

Trở về từ "địa ngục trần gian", những cựu tù tự hào rằng cuộc đời hoạt động cách mạng của họ gắn liền một sự kiện lịch sử trọng đại, một chiến thắng to lớn trên mặt trận ngoại giao của cách mạng Việt Nam, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.