Nguyễn Kim khai quốc triều Lê Trung hưng
Nhà Hậu Lê (1428 - 1789) do Lê Lợi sáng lập ra sau khi đánh bại quân Minh là triều đại phong kiến tồn tại lâu nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam.
Triều đại Hậu Lê trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu gọi là thời Lê sơ (1428 - 1527) kéo dài 100 năm, từ sau thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa cho đến khi Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng, tiếm quyền lập ra vương triều Mạc.
Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó.
Đến đời vua thứ 8, thời vua Lê Uy Mục (1505 - 1509) trở đi thì cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm việc nhân chính, lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác, cho nên sinh ra sự giặc giã, thoán đoạt, đến nỗi về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về tay kẻ cường thần.
“Vua Uy Mục mới lên làm vua thì giết Tổ mẫu là bà Hoàng Thái hậu, giết quan Lễ Bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ và quan Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật, vì lẽ rằng khi vua Hiến Tông mất, bà Thái Hậu và hai ông ấy không chịu lập ngài. Đã làm điều bạo ngược, lại say đắm tửu sắc; đêm nào cũng cùng cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi. Có khi bắt quân sĩ lấy gậy đánh nhau làm trò chơi. Tính đã hung ác, lại còn phản trắc. Cho nên sử Tàu gọi Uy Mục là Quỷ vương” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, Nxb Tân Việt - Sài Gòn 1953, trang 102, 103).
Lăng mộ Nguyễn Kim tại làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
Năm 1508, vua Uy Mục tổ chức các cuộc thi đô vật để tuyển dụng bổ sung quân túc vệ triều đình, năm ấy Mạc Đăng Dung đỗ Đô vật Trạng Nguyên và được giữ chức Đô chỉ huy sứ. Các đời vua kế nối như Lê Tương Dực (1510 - 1516), Lê Chiêu Tông (1516 - 1522), Lê Cung Hoàng (1522 - 1527), việc tranh chấp ngôi báu, vua bất tài, ham hưởng thụ, bỏ bê triều chính, phe phái quyền lực nổi lên như ong. Từ đó uy thế của Mạc Đăng Dung ngày càng lớn. Tháng 6/1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi, lập ra nhà Mạc. Nhà Mạc truy sát dòng tộc chính thống nhà Lê ở Thanh Hóa và các quan lại tiền triều vì mục đích không được “vương vấn” triều đại cũ, như Vũ Duệ - Lại Bộ Thượng thư, Nguyễn Mẫn Đốc - Thị thư Viện hàn lâm, Lê Tuấn Mậu - Lễ Bộ Thương thư… Nhiều quan lại khác như Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Tự Cường, Nghiêm Bá Ký, Lại Kim Bảng, Nguyễn Thiệu Trị… về bái lạy từ đường nhà Lê tại Lam Sơn sau đó tự tử để phản đối nhà Mạc. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư – Lê Văn Hưu quyển XV trang 592, chép rằng: “Năm Mậu Tý (1528), Mạc Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo cho nhà Minh rằng con cháu nhà Lê không còn ai thừa tự nữa, dặn lại cho đại thần họ Mạc coi việc nước, cai trị dân chúng. Vua Minh không tin, bí mật sai người sang thăm dò tin tức trong nước, xét hỏi nguyên do… Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc, cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh chấp nhận”. Nhà Lê truyền được 100 năm đến đây kết thúc, nhưng công đức của vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thánh Tông làm cho quần thần, bá tánh không quên được triều Lê.
Giai đoạn Lê Trung hưng (1533 - 1789), khởi đầu cựu thần nhà Lê là tướng Nguyễn Kim đưa Lê Duy Ninh, một người thuộc dòng dõi nhà Lê lên làm vua khôi phục nhà Hậu Lê. Từ khi nhà Mạc thành lập, khắp nơi nổi lên những đạo quân “phù Lê diệt Mạc”, trong đó đạo quân của ông Nguyễn Kim quy mô, sách lược bài bản nhất. Trong cuốn Nguyễn Phúc tộc thế phả (Nxb Thuận Hóa 1995, trang 97) có ghi: “Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung giết vua Lê Cung Hoàng cướp ngôi nhà Lê, ngài đem thuộc hạ sang Ai Lao mưu việc khôi phục. Vua Ai Lao là Sạ Đẩu cắt cho ngài Châu Sầm (Sầm Nứa ngày nay) để ở. Năm Kỷ Sửu (1529), ngài đem quân về Thanh Hoa đánh nhà Mạc, thắng trận liên tiếp… Năm Quý Tỵ (1533) ngài cùng các tướng dò được Lê Ninh (con vua Lê Chiêu Tông) 18 tuổi lập lên ngôi tức vua Lê Trang Tông. Từ đó hào kiệt về càng đông. Ngài được vua Lê phong chức Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công Chưởng nội ngoại sự”.
Nguyễn Kim và vua Lê Trang Tông dựa vào vua Sạ Đẩu (Phothisarath) nước Ai Lao để mộ quân, trưng lương chống lại nhà Mạc. Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu đánh giá về công trạng của Nguyễn Kim và Lê Trang Tông: “Vua gặp vận gian truân, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài kết giao nước láng giềng, bên trong dùng được tướng giỏi, cho nên người người đều vui lòng làm việc, nền móng trung hưng bắt đầu từ đấy”. Thời Lê Trung hưng kéo dài qua 17 đời vua với 256 năm, và sụp đổ năm 1789. Thời kỳ này tuy kéo dài, nhưng các vua nhà Lê mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, sau đó vua Lê cùng đám tàn quân Mãn Thanh chạy về phương Bắc. Nhà Hậu Lê thời Lê Trung hưng chấm dứt.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc