Multimedia Đọc Báo in

Trường Chinh - Nhà báo cách mạng mẫu mực, sắc sảo

15:22, 26/06/2023

Đồng chí Trường Chinh là hiện tượng điển hình về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ... Trong đó, hoạt động báo chí là một trong những nét nổi bật nhất trong cuộc đời cách mạng của ông.

Dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu

Sớm ý thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, mùa hè năm 1928, tại quê nhà (làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), đồng chí Trường Chinh đã sáng lập, làm chủ bút và cũng là cây bút chủ chốt báo “Dân cày”, với nội dung lên án ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến đối với nông dân và kêu gọi nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi. Dù còn sơ lược và chỉ ra được ít số, song báo “Dân cày” đã có ảnh hưởng nhất định đến người dân trong vùng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

Trong cuộc vận động thành lập Đảng, đồng chí Trường Chinh đã được cử tham gia nhóm biên tập của báo “Búa liềm” - cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng, góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, nhân rộng ảnh hưởng của tổ chức cộng sản này.

Từ tháng 11/1930 đến tháng 9/1936, trong thời gian bị giam tại các nhà tù Hoả Lò và Sơn La, dù hoàn cảnh khắc nghiệt, đồng chí Trường Chinh vẫn bí mật tham gia tổ chức và trực tiếp viết báo tuyên truyền, huấn luyện lý luận cách mạng, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm sai trái của một số tù chính trị là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Đồng chí đã được tổ chức đảng trong nhà tù Hỏa Lò cử làm chủ bút báo “Con đường chính”, trực tiếp viết nhiều bài tuyên truyền, luận chiến cho báo và tờ “Lao tù tạp chí”. Tại nhà tù Sơn La, đồng chí vừa lãnh đạo tổ chức các chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ nhà tù, vừa tham gia viết bài cho báo “Suối reo”.

Trong những năm Đảng ta phát động và lãnh đạo cao trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939), trên cương vị là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách hoạt động tuyên truyền công khai hợp pháp và nửa hợp pháp, Trường Chinh là lãnh đạo nhóm cán bộ Đảng hoạt động báo chí tuyên truyền công khai ở Bắc Kỳ. Ông cũng trực tiếp tham gia lãnh đạo và là thành viên chủ chốt trong ban biên tập một số tờ báo công khai lớn nhất của Đảng thời điểm ấy như tờ “Le Travail” (Lao động), “Tin tức”, “Đời nay”, “Notre voix” (Tiếng nói của chúng ta), “Rassemblement”, “Enavant”(Tiến lên), rồi chủ bút báo “Giải phóng” (1936 - 1939), trực tiếp phụ trách báo “Tin tức” (1938), trực tiếp chỉ đạo báo “Đời nay” (1938)… Những tờ báo này đã thực sự góp tiếng nói tích cực vào công cuộc truyền bá tư tưởng cách mạng.

Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945), nhất là sau khi được giao trọng trách làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo xuất bản và viết bài cho “Tạp chí Cộng sản” (tháng 10/1941) - cơ quan lý luận của Trung ương Đảng; báo “Cờ Giải phóng” (tháng 10/1942) - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng; báo “Cứu quốc” (tháng 1/1942) - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách và viết bài cho báo “Sự thật” - tiền thân của báo Nhân Dân sau này.

Cùng với vai trò là chủ bút của nhiều tờ báo, đồng chí Trường Chinh còn có những bài nói, bài viết cụ thể về nền báo chí cách mạng. Các tác phẩm tiêu biểu như “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943), “Kháng chiến về mặt văn hóa” (trong Kháng chiến nhất định thắng lợi, 1947), “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (1948)... không chỉ là các công trình lý luận xuất sắc về xây dựng một nền văn hóa mới, mà còn có giá trị chỉ đạo to lớn đối với báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh và một số tờ báo do đồng chí sáng lập, tổ chức, chỉ đạo. Ảnh tư liệu

Báo chí phải cổ động tập thể và người tổ chức tập thể

Quán triệt quan điểm của V.I.Lênin về vị trí, vai trò báo chí cách mạng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Tờ báo phải là người tuyên truyền, cổ động tập thể và người tổ chức tập thể”. Để nâng cao chất lượng mọi mặt của báo chí, đồng chí chỉ ra các nhiệm vụ của cán bộ, phóng viên: trước hết, phải nghiên cứu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của báo chí tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn để trưởng thành.

Đồng chí nhắc nhở: Mỗi người làm báo, nhất là các tổng biên tập và ban lãnh đạo báo phải gần gũi quần chúng, đi sâu vào phong trào quần chúng, gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có tinh thần hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có lòng tin vô hạn vào thắng lợi của cách mạng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; phải nhận rõ trách nhiệm nặng nề, vẻ vang của mình, từ đó mà yêu nghề, hăng say hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ làm báo phải nêu cao tinh thần học tập không ngừng, học tập cả về chính trị, văn hóa và chuyên môn, nghiệp vụ làm báo, bởi “làm báo là viết cho người khác xem, là tuyên truyền, cổ động nhân dân ra sức phấn đấu thực hiện đường lối, chính sách và khẩu hiệu của Đảng, là nói lên tiếng nói của Đảng”. Đặc biệt, người làm báo cần có đạo đức cách mạng và phẩm chất chính trị cao. Cùng với nhiệm vụ quan trọng đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên về mọi lĩnh vực, chú ý nghiên cứu trích đăng hoặc trả lời thư bạn đọc - đây là một kênh quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Trong những chuyến đi công tác, đồng chí Trường Chinh luôn tạo điều kiện cho các nhà báo đi cùng có tư liệu thực tế viết bài, giới thiệu những nét lớn về nơi đến, mục đích, nội dung kế hoạch chuyến đi và gợi ý những vấn đề cần quan tâm khi viết bài. Đồng chí còn đọc góp ý, bổ sung cho bài viết hoặc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, giải thích với tác giả bài viết về những chỗ cần bổ sung, sửa chữa. Đồng chí khuyến khích mở các diễn đàn tranh luận trên báo chí về những vấn đề xã hội đang quan tâm vừa để phát huy không khí dân chủ, huy động trí tuệ của xã hội, vừa khuyến khích các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng báo chí.

Đồng chí tâm niệm: “Vì cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác”.

Có thể khẳng định, là nhà lãnh đạo báo chí, nhà báo tài năng, đồng chí Trường Chinh đã dùng ngòi bút như một “vũ khí”, một “trợ thủ” đắc lực và hữu dụng để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, tập hợp quần chúng nhân dân và vận động cách mạng, để tổ chức lực lượng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, phục vụ cho lý tưởng cách mạng cao cả.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.