Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám và những sáng tạo trong phương pháp cách mạng của Đảng ta

08:21, 18/08/2023

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử hào hùng, một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đó là thắng lợi của những sáng tạo trong phương pháp cách mạng của Đảng ta và tư tưởng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta cho rằng bạo lực cách mạng cũng là bạo lực của quần chúng. Cơ sở của bạo lực cách mạng bao gồm hai lực lượng: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, được biểu hiện bằng hai hình thức đấu tranh: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang và sự kết hợp cả hai hình thức đó. Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh - là nơi tập hợp, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho cách mạng, một lực lượng cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền với các đoàn thể quần chúng mang tên cứu quốc.

Trên cơ sở lực lượng chính trị vững chắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm lực lượng vũ trang tập trung là Việt Nam Giải phóng quân và lực lượng bán vũ trang gồm các đội du kích, tự vệ và tự vệ chiến đấu rộng khắp. Cả hai lực lượng chính trị và vũ trang đều là chỗ dựa của bạo lực cách mạng, là điều kiện để kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, lực lượng chính trị quần chúng có vũ trang thô sơ là lực lượng đông đảo nhất và giữ vị trí quyết định. Lực lượng vũ trang, tuy số lượng không nhiều, thiếu thốn về trang bị, non yếu về trình độ tác chiến, nhưng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động công kích quân sự ở một số nơi, gây thanh thế cho cách mạng, đồng thời là lực lượng nòng cốt, lực lượng xung kích, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Bằng sự kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, Cách mạng Tháng Tám có sức mạnh áp đảo, đập tan bộ máy chính quyền của đế quốc và tay sai, nhanh chóng giành chính quyền về tay nhân dân.

Kết hợp khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị

Ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), Đảng chủ trương chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, chỉ đạo xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng ở các vùng nông thôn. Tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa; trong đó đề ra những biện pháp cụ thể nhằm phát triển phong trào quần chúng rộng rãi và đều khắp, đặc biệt chú trọng đến công tác công vận, xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân, nhất là ở các thành phố lớn, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc khởi nghĩa. Đồng thời phải chú trọng mở rộng phong trào cách mạng trong thanh niên, học sinh, trí thức làm cho cuộc khởi nghĩa mang tính chất toàn dân.

Tháng 8/1945, Đảng quyết định tổng khởi nghĩa với chủ trương: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập những ủy ban nhân dân những nơi ta làm chủ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng dồn dập nổi lên ở cả thành thị và nông thôn. Rõ ràng, trên cơ sở nhận thức đúng vai trò của nông thôn và thành thị, Đảng coi nông thôn là trận địa vững chắc, dựa vào nông thôn để phát triển lực lượng chính trị; xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; đồng thời coi thành thị là địa bàn xung yếu tăng cường xây dựng cơ sở chính trị ở thành thị. Đó là điều kiện để có thể phát động toàn dân nổi dậy ở cả nông thôn và thành thị nhằm vào các cơ quan đầu não của kẻ thù có tác dụng quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa.

Không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa

Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa là một điển hình sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh trong việc vận dụng lý luận Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) chủ trương trong những hoàn cảnh nhất định, “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhận định cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, do đó Chỉ thị xác định kẻ thù cụ thể, trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương sau cuộc đảo chính là phát xít Nhật, phải thay khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”. Cùng với đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Phương châm đấu tranh lúc này là phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa, sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi có đủ điều kiện.

Có thể khẳng định, cao trào kháng Nhật cứu nước làm cho toàn Đảng, toàn dân ta sẵn sàng, chủ động tiến lên chớp thời cơ tổng khởi nghĩa. Đó là một quá trình đẩy nhanh sự tích lũy về lượng để dẫn tới bước nhảy vọt về chất khi thời cơ đến. Đây là một nét độc đáo của Cách mạng Tháng Tám, một điển hình thành công trong nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang của Đảng.

Nghệ thuật đánh giá và chớp thời cơ

Bước sang những năm 1943 - 1944, Đảng ta phân tích một cách khách quan, toàn diện tương quan lực lượng giữa Nhật, Pháp; và khẩn thiết kêu gọi: “Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó”.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Nắm bắt thời cơ, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ban hành Lệnh khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề nổi dậy với tinh thần: dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.

Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ, đồng thời kiên quyết chớp thời cơ phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.