Multimedia Đọc Báo in

Tiếp bước cha anh...

06:16, 06/08/2023

Náu mình dưới chân đại ngàn Chư Yang Sin, Di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) từng là trung tâm đầu não của tỉnh, là nơi đứng chân của Tỉnh ủy và các cơ quan, ban, ngành trực thuộc, trong đó có Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

Cũng chính tại nơi đây, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III tổ chức vào tháng 7/1966 đã xác định rõ quyết tâm cùng quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy; đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng vùng căn cứ vững mạnh.

Dốc sức vì mục tiêu chung, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy ngày ấy đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục, động viên chính trị cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh; biến đường lối, quyết tâm của Đảng thành phong trào quần chúng rộng rãi. Từ hậu cứ H9 – Krông Bông, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đưa quân và dân toàn tỉnh đi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng đất nước mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cán bộ ngành Tuyên giáo chụp ảnh lưu niệm tại Bia di tích địa điểm đứng chân của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1975).

Sau gần 50 năm phát triển, H9 - Krông Bông đã có nhiều đổi thay về diện mạo. Khung cảnh trùng điệp của núi rừng Chư Yang Sin bao bọc lấy mảnh đất kiên trung đã gợi nên thật nhiều xúc cảm với đoàn cán bộ của tỉnh trong chuyến “Về nguồn” nhân Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023) vừa qua. Càng xúc động hơn khi tình cảm của bà con đồng bào vùng căn cứ dành cho những người con của Đảng vẫn nồng ấm, chân phương như ngày nào. Tâm thức ấy, xúc cảm ấy đã tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Út, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Buôn Hồ chia sẻ, dù đã có hơn 10 năm tham gia công tác tuyên giáo của Đảng nhưng đây là lần đầu tiên ông đến thăm địa điểm đứng chân của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1975). Chuyến về nguồn đặc biệt ý nghĩa này đã giúp ông cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Dù trong hoàn cảnh hiểm nguy, gian khổ, các lớp chiến sĩ cách mạng vẫn bền gan vững chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả mà Đảng giao phó. Đó là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo, cũng là lời nhắc nhở các lớp thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, khẳng định bản lĩnh tư tưởng, năng lực tham mưu cho Đảng, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Người dân xã Cư Pui (huyện Krông Bông) thể hiện tình cảm dành cho Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy H'Lim Niê.

Về với khu căn cứ cách mạng H9, đồng chí H’Lim Niê, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, cần tiếp tục tổ chức nhiều chương trình tìm hiểu, học tập tại các khu di tích lịch sử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm bồi đắp lòng tự hào, củng cố và tăng cường ý chí, niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh, đồng thời, thắt chặt thêm mối dây gắn kết, tấm lòng tri ân với đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.