Bức ảnh “Cầu người” - Tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong
Đến thăm Bảo tàng Bến Tre, khách tham quan đều dừng lại rất lâu và rưng rưng xúc động trước bức ảnh lịch sử độc đáo “Cầu người” do phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam Phạm Văn Thính chụp các nữ thanh niên xung phong (TNXP) Chiến khu Đ., Tây Ninh đứng ngâm mình giữa dòng nước xiết, dùng vai nâng ván cầu cho những cáng thương binh đi qua suối.
Theo thuyết minh của hướng dẫn viên, bức ảnh chụp tại con suối Nhum, tỉnh Tây Ninh, năm 1968. Trong trận chiến đấu với biệt kích Mỹ tại một cánh rừng ở huyện Tân Biên (Tây Ninh), nhiều chiến sĩ của ta bị thương, trung đội TNXP chịu trách nhiệm chuyển thương về tuyến sau. Lúc đó đang mùa mưa nên sông suối ở Chiến khu Đ. nước rất lớn. Trong hoàn cảnh không xuồng bè, không cầu cống, súng vẫn nổ ở phía sau, làm thế nào đưa được thương binh sang bên kia suối nhanh nhất về “cứ” để cứu chữa?
Để giải quyết khó khăn này, chỉ huy yêu cầu phải chặt cây bắc cầu đưa đồng đội qua. Phát hiện ở gần đó có một công ty thực phẩm bỏ lại rất nhiều mảnh ván, thế là đơn vị TNXP, trong đó có nhiều chị em tuổi đời rất trẻ, nhanh chóng kéo những tấm ván cũ, những đòn tre, cọc gỗ, nối nhau bắc cầu. Mỗi người là một "trụ cầu" vững chắc. Trong chốc lát, trên vai họ hình thành chiếc cầu nổi vắt ngang dòng nước. Người phụ trách đội TNXP bước lên cầu, đi một đoạn kiểm tra an toàn, rồi ra lệnh cho đội cáng thương đi qua. Chiếc cáng thương đầu tiên từng bước nhích trên mặt ván…
Bức ảnh “Cầu người” chụp năm 1968. Ảnh: Phạm Văn Thính |
Và một trong những nữ TNXP trong ảnh, miệng nở nụ cười tươi, đội mũ tai bèo làm trụ cầu phía trái là bà Giáp Thị Thanh Tiến, sinh năm 1944, quê ở chợ Bang Tra, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Lúc ấy, bà Tiến mới 24 tuổi. Bà Tiến đã từng kể: “Khi anh em bắc cầu, tôi cũng nhảy xuống suối. Lúc đứng dưới suối làm cầu, nhìn những cáng thương binh đi qua, tôi hy vọng các anh được cứu sống nên nở nụ cười lạc quan. Và nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Thính đã ghi lại được khoảnh khắc đó”.
Năm 1976, bức ảnh “Cầu người” được triển lãm ở Hungary và được biết đến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2008, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ làm cuộc sưu tầm ảnh nữ TNXP thời chống Mỹ, cứu nước. Đúng 40 năm sau ngày ra đời, bức ảnh được chọn đưa ra trưng bày. Tại đây, tác giả Phạm Văn Thính đã được gặp nhân vật chính trong bức ảnh để đời của ông, bà Giáp Thị Thanh Tiến - nữ TNXP thuở nào dũng cảm mà tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần lạc quan cách mạng.
Mỗi bức ảnh lịch sử là một câu chuyện không thể nào quên. Bức ảnh “Cầu người” đã ghi lại một khoảnh khắc quý giá, sáng kiến vô cùng độc đáo, không chỉ chứa đựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội, mà còn thể hiện ý chí vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh chiến tranh của các nữ TNXP, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đến ngày toàn thắng.
Đỗ Thị Ngọc Diệp
Ý kiến bạn đọc