Multimedia Đọc Báo in

Hai người thầy của vương triều Tây Sơn

10:52, 27/11/2023

Năm 1778, vương triều Tây Sơn thành lập. Đây là vương triều có công đánh Nam dẹp Bắc thống nhất đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa Mạc – Trịnh – Nguyễn kể từ khi nhà Lê sơ sụp đổ năm 1527.

 Đồng thời hai lần đánh bại quân xâm lược ngoại bang Xiêm La (1785) và Mãn Thanh (1789) bằng những chiến dịch quân sự táo bạo thần tốc. Dưới thời Tây Sơn, có hai người thầy có công rất lớn, góp phần làm nên nhà Tây Sơn huy hoàng trong sử Việt.

Trương Văn Hiến -  người góp sức lập ra vương triều

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ có vài dòng ngắn ngủi về thầy giáo Trương Văn Hiến: “Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh. Hạnh bị Trương Phúc Loan giết. Hiến trốn vào Quy Nhơn, ngụ ở ấp An Thái, lập trường văn võ mà dạy. Anh em Nguyễn Nhạc học ở đây”.

Trương Văn Hiến vốn người ở Hoan Châu - Nghệ An, giỏi văn chương, võ nghệ, là anh em thúc bá và là môn khách với Trương Văn Hạnh. Tháng 7/1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất để lại di chiếu cho con thứ hai là Nguyễn Phúc Luân, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan lập di chúc giả đưa Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi lúc 12 tuổi để dễ bề thoán đoạt. Sau đó Nguyễn Phúc Luân bị bắt giam, hai thầy của công tử Luân là Nội hữu cai cơ Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ bị giết. Sợ vạ lây Trương Văn Hiến bỏ trốn vào Nam trú ngụ ở ấp An Thái, Tây Sơn, Bình Định.

Thời gian ấy, nhờ sự giúp sức nhiều người, Trương Văn Hiến mở lớp dạy học. Tiếng tăm của thầy Hiến lan nhanh cả vùng rộng lớn, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đến thụ giáo. Trong ba người ấy, Nguyễn Huệ được thầy chú ý nhiều nhất bởi tướng mạo đặc biệt, mắt to, tóc xoăn, trán cao, giọng nói như chung, mắt sáng đầy uy lực. Thầy Hiến vừa dạy văn vừa dạy võ, dần khai tâm cho ba anh em Tây Sơn với quan điểm giữa thời buổi nhiễu nhương này sức mạnh trí tuệ phải luôn song song toàn vẹn.

Khi Tây Sơn dấy binh, tụ nghĩa, thầy Hiến được coi như quân sư, ông đã giúp ba anh em gây thanh thế và uy tín, bằng nhiều huyền thoại tâm linh để thu phục nhân tâm như chém rắn ở gò Cây Ké, chuyện ấn kiếm trời ban, chuyện đàn ngựa trời Hinh Hốt, cả những chuyện mang tính tâm lý như gánh nước bằng bội (tiếng đồn sứ giả của trời, gánh nước bằng bội chẳng rơi giọt nào)… Thầy Hiến còn căn dặn anh em Tây Sơn: “Tây tụ nghĩa, Bắc lập công”, bắt đầu cuộc khởi nghĩa là khổ nhục kế của Nguyễn Nhạc giam mình trong cũi tự làm tù binh để cướp thành Quy Nhơn. Ngoài ra thầy Hiến còn đưa con trai Trương Văn Đa vào phục vụ trong quân đội Tây Sơn để tỏ lòng trung thành. Nhiều tướng lĩnh Tây Sơn nổi tiếng như Võ Văn Dũng, Đặng Văn Dũng, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh, Huỳnh Văn Thuận… đều là học trò của thầy Hiến, họ đã làm nên kỳ tích ở hai trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút  (1785), Đống Đa – Ngọc Hồi (Tết Kỷ Dậu 1789).

Có thể nói, thầy giáo Trương Văn Hiến đã giúp Tây Sơn dựng nên nghiệp đế vương trong thời điểm chiều tà của các thế lực cát cứ bấy giờ.

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và sự nghiệp giáo dục thời Tây Sơn

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) sinh ra ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh). Năm 19 tuổi, ông đã nổi tiếng khắp vùng vì “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1743 nhưng không ra làm quan, năm 1756 Nguyễn Thiếp được triều đình mời làm Huấn đạo ở phủ Anh Sơn, Nghệ An. Năm 1780, chúa Trịnh Sâm mời ông ra Thăng Long để cố vấn hoàng triều. Ý định của Trịnh Sâm muốn lật đổ nhà Lê, Nguyễn Thiếp kiên quyết can ngăn nhưng chúa Trịnh không nghe nên ông từ quan, trả danh vọng lợi lộc về quê dạy học, nghiên cứu học thuật.

Đền thờ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ở thôn Lũy, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Hà Tĩnh

Khi vương triều Tây Sơn thành lập, biết Nguyễn Thiếp là người thâm nho túc trí, nhiều lần Nguyễn Huệ viết thư mời ông vào Phú Xuân để giúp cho vương triều nhưng ông từ chối. Tháng 4/1788, trên đường ra Thăng Long, Nguyễn Huệ dừng chân tại Nghệ An và xin hội kiến với Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh: “Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, nếu trẫm muốn đánh, Phu tử nghĩ thế nào?”. Nguyễn Thiếp trả lời: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quan lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê… Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều mà hào kiệt cũng nhiều. Còn việc chiến thuật đánh quân Thanh thì người Thanh từ xa đến mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được” (Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú, tập 3, NXB KHXH 1992).

Diễn biến của trận đánh đầu Xuân Kỷ Dậu (1789) với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như lời nhận định của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Sau đại thắng vào Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung trở về Nghệ An mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự, bức thư gửi cho ông được Quang Trung thành kính giãi bày: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng, một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.

Sau khi Quang Trung đánh đuổi ngoại bang, dẹp yên trong nước giang sơn thu về một mối, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất về đức độ và tài năng. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên giao cho ông xử lý những việc có tính chất học thuật và giao cho việc tổ chức nền giáo dục mới. Nguyễn Thiếp đã khuyên nhà vua nên hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước thành một quốc gia cường thịnh. Tuy vậy sau khi giúp vua Quang Trung, ông lại trở về núi Thiên Nhẫn (Nghệ An), không chịu ở lại Phú Xuân. Trong cuốn Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, Trung tâm học liệu xuất bản 1954, trang 158 ghi: “Đời Tây Sơn việc cai trị thường hay dùng chữ Nôm. Nhà vua muốn rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng, mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ Nôm và bắt sĩ tử làm bài bằng chữ Nôm”.

Năm 1791, vua Quang Trung lại cho mời Nguyễn Thiếp vào kinh đô Phú Xuân để bàn việc nước, ông đã dâng lên vua bản tấu bàn ba vấn đề đó là quân đức, dân tâm và học pháp, nghĩa là vua nên lấy đạo Thánh hiền để trị nước, nhân chính để thu phục lòng người và nên chăm lo việc giáo dục. Tiếp thu và ghi nhận lời tấu ấy, ngày 20/8/1791 nhà vua ban chiếu lập “Sùng chính Thư viện” ở núi Bình Phong, xã Nam Hoa (Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An ngày nay) mời Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Kể từ đó ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy phổ biến trong dân. Tiếc thay, tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp giáo dục của triều đại cũng như công việc chữ Hán chữ Nôm của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đành dở dang…

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.