Multimedia Đọc Báo in

Trận đánh Buôn Ma Thuột qua hồi ký “Đại thắng mùa xuân”

08:29, 28/03/2024

Rất nhiều tài liệu đã viết về chiến dịch Tây Nguyên mà mở màn bằng “đột phá khẩu” Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975. Đặc biệt không thể không nhắc tới cuốn hồi ký quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, vào thời điểm đó là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tác phẩm này có tên là “Đại thắng mùa xuân” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành vào tháng 5/1976.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, theo các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu thì khó khăn lớn nhất là phải giữ bí mật để khi chiến dịch diễn ra, địch phải bất ngờ, lâm vào thế bị động chiến lược, từ đó dẫn đến bị động chiến dịch, chiến thuật rồi dẫn đến thất bại.

Do ta nghi binh tốt, giữ bí mật tối đa nên vào đầu tháng 3/1975, đối phương vẫn phán đoán là ta sẽ đánh Pleiku, trong khi thực chất Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Buôn Ma Thuột để mở màn. Đến chiều 9/3, Đại tướng Văn Tiến Dũng mới gửi một bức điện mật rất quan trọng để báo cáo tình hình và kết quả chiến đấu từ ngày 1/3 cho đến lúc đó. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết thì sở dĩ lúc này mới báo cáo là để giữ tuyệt đối bí mật. Phần cuối bức điện viết như sau:

…”Ngày 10 tháng 3, ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột, tình hình diễn biến thế nào, có nhận xét gì lớn tôi sẽ điện tiếp.

Chúng tôi vẫn khỏe. Anh Thiện (đồng chí Đinh Đức Thiện - TG) và 559 trợ lực rất tích cực cho chiến dịch này. Mọi yêu cầu đều cố gắng bảo đảm. Quân no, lực lượng lớn, vũ khí, trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao, chưa bao giờ mạnh và đánh tập trung lớn ở đây như năm nay. Chúc các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy mạnh khỏe.

Tuấn”

Tuấn là bí danh của Đại tướng Văn Tiến Dũng. 

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN

Đúng như dự đoán của ta, cuộc tấn công khiến địch hoàn toàn bị bất ngờ, hoang mang chống trả và bị động đối phó, các cuộc phản kích đều bị thất bại. Trận đánh Buôn Ma Thuột đã thắng lợi nhanh chóng và giòn giã. Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại trong cuốn sách đã nêu, trận đánh Buôn Ma Thuột nằm trong chương 6 có tên gọi là “Đòn đánh trúng huyệt”:

Sáng 11 tháng 3, tôi gửi bức điện sau đây cho đồng chí Võ Nguyên Giáp:

“Gửi đồng chí Chiến, (bí danh đại tướng Võ Nguyên Giáp - TG)

1. Ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Ta đã chiếm giữ các mục tiêu lớn như Sư đoàn bộ 23, tiểu khu Đắk Lắk, khu thiết giáp và khu sân bay thị xã. Đang truy lùng tàn quân lẩn trốn trong thị xã. Sơ bộ mới biết: bắt gần 1.000 tù binh. Thu một số lượng lớn chiến lợi phẩm. Ta đã làm chủ từ Đức Lập đến Đắk Song. Thu 12 pháo và gần 100 tấn đạn pháo.

2. Đang tiếp tục phát triển để tiêu diệt các mục tiêu chung quanh thị xã: căn cứ Trung đoàn 45, hậu cứ Trung đoàn 53, Buôn Hồ, Buôn Đôn và tăng thêm lực lượng để chiếm giữ vững chắc sân bay Hòa Bình.

3. Ngày 11 tháng 3, Ủy ban quân quản Đắk Lắk sẽ triển khai công tác. Đề nghị đề bạt quân hàm Đại tá cho đồng chí Y Blốc và cử làm Chủ tịch Ủy ban quân quản.

4. Căn cứ vào tình hình: địch ở Tây Nguyên tinh thần sa sút, khả năng yếu, cô lập, xét đến lực lượng ta còn sung sức và phấn khởi, hậu cần có khả năng bảo đảm và thời tiết còn thuận lợi, chúng tôi có ý định sơ bộ:

Vừa củng cố vững chắc Buôn Ma Thuột, sẵn sàng đánh phản kích của địch, vừa phát triển ra chung quanh để hoàn toàn làm chủ tỉnh Đắk Lắk.

Phát triển về phía đông Phú Bổn (có thể tiêu diệt hoặc bao vây) rồi từ đây phát triển ngược lên Pleiku để bao vây cô lập, tiêu diệt Kon Tum. Hướng phát triển về phía nam có thể để chậm lại sau.

Tôi đã trao đổi ý kiến với các đồng chí Đinh Đức Thiện và Lê Ngọc Hiền. Các đồng chí ấy cũng nhất trí. Đề nghị đồng chí trao đổi ý kiến trong Quân ủy và báo cáo với Bộ Chính trị, sau đó hướng dẫn cho chúng tôi”.

Trận địa pháo của địch ở Buôn Ma Thuột bị pháo binh quân giải phóng đánh tan. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Tây Nguyên khởi đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đánh dấu một mốc son của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, của chiến thuật nghi binh tài tình, chiếm được một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, tạo thế và lực tích cực mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất giang sơn về một mối, mở ra một kỷ nguyên thống nhất và tái thiết đất nước.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.