Multimedia Đọc Báo in

Tháng ba Tây Nguyên, trang sử đỏ và khát vọng xanh

09:31, 27/03/2024

1. Những ngày tháng ba, đọc lại những trang hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ngày lịch sử 10/3/1975 vẫn thấy bồi hồi không khí trận mạc, vừa khẩn trương, vừa giục giã, vừa như tiếng kèn hiệu xung phong báo ngày toàn thắng đang tới gần:

“Mới tờ mờ sáng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận được điện của anh Văn Tiến Dũng: “... Ngày 10/3/1975, ta đã đánh Buôn Ma Thuột. Tình hình diễn biến thế nào, có nhận xét gì lớn, tôi sẽ điện tiếp. Chúng tôi vẫn khỏe. Anh Thiện vào 559 trợ lực tích cực cho chiến dịch này. Mọi yêu cầu đều cố gắng bảo đảm. Quân no, lực lượng lớn, vũ khí trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao. Chưa bao giờ mạnh và đánh tập trung lớn ở đây như năm nay. Chúc các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mạnh khỏe. Ký tên: Tuấn”.

Chiến dịch Tây Nguyên đã mở màn. Tôi trực tiếp chủ trì các cuộc giao ban hằng ngày của Bộ Tổng tham mưu. Dự giao ban thường có các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Trần Sâm, Trần Văn Quang, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài. Anh Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và anh Vũ Xuân Chiêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cũng thường có mặt.

Sáng ngày 10/3, trong cuộc giao ban thường lệ ở Sở Chỉ huy “Nhà con rồng”, mọi người phấn khởi đón tin chiến thắng đầu tiên: Ta đã giải quyết xong quận lỵ Đức Lập, Đắk Song, Núi Lửa, mở thông hành lang chiến lược Bắc Nam. Trận Buôn Ma Thuột đã bắt đầu từ rạng sáng hôm nay, đang phát triển thuận lợi” (trang 188, chương V: Đòn điểm huyệt).

Chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 thực sự tạo ra thế và lực mới để Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn tất công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sớm hơn rất nhiều so với kế hoạch. Đất nước hòa bình sớm được một ngày là một ngày bớt đi những người dân chết vì chiến tranh.

Có thể nói từ Chiến thắng Buôn Ma Thuột của gần nửa thế kỷ trước, đất nước đã sang trang. Và sau gần nửa thế kỷ, chỉ thêm một năm nữa, cột mốc 50 năm Chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột sẽ dựng lên trên dòng thời gian như một bản lề khép mở cho một thế kỷ: 50 năm trước và 50 năm sau!

Mấy tháng trước tôi có dịp trở lại Buôn Ma Thuột, và có một hành trình xuyên suốt Tây Nguyên từ Kon Tum qua Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng để ngỡ ngàng trước một Tây Nguyên đang vạm vỡ sinh sôi rồi bất chợt nghĩ rằng nếu gần nửa thế kỷ trước Buôn Ma Thuột là đột phá khẩu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên thì giờ đây Buôn Ma Thuột cũng đang đứng mũi chịu sào ở vai trò đô thị trung tâm vùng để khai mở những con đường mới chinh phục những thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội.

Cuối tháng 2/2024 vừa qua, một hội nghị quan trọng về Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai đã một lần nữa thúc đẩy đẩy mạnh việc hiện thực hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị đã nhận định rằng, một trong những yếu tố quan trọng để phát huy vị thế, tiềm năng, lợi thế vùng Tây Nguyên, mỗi địa phương Tây Nguyên đều phải phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Tổ chức mạng lưới đô thị dựa trên ba trung tâm đô thị động lực: TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng; TP. Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên; TP. Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên.

Những mảng xanh trong TP. Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Nguyễn Gia

2. Như vậy, Buôn Ma Thuột với vai trò đô thị trung tâm vùng vừa là một vinh dự nhưng đồng thời cũng là trọng trách. May mắn thay, nhìn lại hành trình gần 50 năm qua, càng ngày vai trò đô thị trung tâm vùng của Buôn Ma Thuột càng thể hiện rõ nét. Các con số thống kê về GDP, về tăng trưởng kinh tế, các chỉ số về văn hóa, y tế, giáo dục… có thể tìm thấy dễ dàng qua các báo cáo phát triển thường niên. Còn với những người luôn tìm về Buôn Ma Thuột như để tiếp thêm nguồn năng lượng từ cao nguyên sẽ nhìn thấy sự phát triển đó trong những hàng cây xanh phủ bóng trên những đại lộ xuyên qua thành phố cho đến những con đường như dải lụa óng ả băng qua những ngút ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu...

Những con đường xanh trong lòng TP. Buôn Ma Thuột thật sự là điều mê hoặc chúng tôi mỗi lần trở lại thành phố này. Chợt nhớ năm nào đó, ngồi cùng một người bạn là trợ lý của một trường đại học. Khi đó cơ sở mới của trường đại học này được cấp thêm 10 ha, ngồi nhìn khuôn viên mênh mông, người bạn nói ra một ý tưởng khiến tôi bất ngờ: “Tôi nghĩ sau này, ngoài diện tích các hạ tầng cơ sở, chúng tôi sẽ trồng phủ kín cây xanh cho khuôn viên 10 ha này. Có lẽ nếu như thế chúng tôi cũng chỉ trồng được một khu rừng 10 ha. Nhưng nếu chúng tôi truyền được tình yêu cây cỏ, tình yêu Tây Nguyên, tình yêu với đại ngàn nguyên thủy để sau này mỗi sinh viên của chúng tôi ngoài công việc chuyên môn của mình, ai cũng cố gắng trồng thêm cây cho buôn làng của mình thì thay vì 10 ha cây ở đây có khi chúng tôi góp thêm hàng ngàn héc-ta cây cho Tây Nguyên từ tấm lòng mến yêu cây cỏ thiên nhiên”.

Vậy đó, đôi khi nhìn vào sự phát triển của một vùng không chỉ là những báo cáo hay số liệu, mà có khi chỉ bắt đầu bằng những ý tưởng lãng mạn song cũng trĩu nặng khát vọng hiện thực như thế, rất có thể chúng ta sẽ có một sự phát triển khác biệt mà bền vững!

Và hãy bắt đầu từ những con đường xanh của Buôn Ma Thuột để làm cho sắc xanh lan tỏa. Khát vọng Tây Nguyên trong tôi trước hết là hãy xanh. Xanh như những cánh rừng huyền sử còn in dấu trong những trường ca bất tử giữa non ngàn!

An Du


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.