Multimedia Đọc Báo in

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử

08:18, 24/05/2022

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). 68 năm đã qua, nhìn lại chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của người Tổng tư lệnh Quân đội, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 5/1/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ với vai trò của Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Đã từng chỉ huy nhiều chiến dịch từ Thu – Đông Việt Bắc (1947), Biên giới (1950)… nhưng đây là một nhiệm vụ mà theo Đại tướng: “Tôi cảm thấy nhiệm vụ này rất nặng”.

Lời Bác dặn trước khi lên đường ra trận: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, “Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung chúng ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn” theo Đại tướng suốt chặng đường ra mặt trận. Chính trong khoảng thời gian trên đường ra mặt trận, từ kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo chiến dịch trước đó, cũng như cách đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm ở Hòa Bình, Nà Sản, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trước hai phương án lựa chọn: “đánh nhanh giải quyết nhanh”, hay cách “đánh chắc tiến chắc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuộc hội ý của Đảng ủy mặt trận do Bộ Chính trị chỉ định, gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp (Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên phủ), Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng chiến dịch), Lê Liêm (Chủ nhiệm chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm hậu cần)… cùng đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự Trung Quốc do ông Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn, sau khi phân tích tình hình mọi người đều thống nhất lựa chọn phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”. Là một tướng lĩnh dày dặn kinh nghiệm trận mạc, trải qua hơn 8 năm đối đầu với quân đội thực dân xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn cho rằng “đánh nhanh” không thể giành thắng lợi. Tuy nhiên, vì mới đến chiến dịch nên “chưa thật đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được các đồng chí đi trước lựa chọn”, Đại tướng cũng “không có điều kiện và thời gian để trình bày đầy đủ với Bác và Bộ Chính trị”. Vì vậy, Đại tướng đồng ý triệu tập hội nghị để triển khai kế hoạch chiến đấu.

Ngày 14/1/1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến tới các đơn vị tham chiến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa, các đơn vị tranh thủ triển khai chuẩn bị chiến đấu theo phương châm "đánh nhanh thắng nhanh", ngày nổ súng là 17 giờ ngày 25/1/1954.

Một thói quen của Đại tướng khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới là thường gợi ý để cán bộ nói lên những khó khăn có thể gặp phải để bàn biện pháp khắc phục. Lần này cũng vậy, nhưng chỉ huy các đơn vị tham chiến đều thể hiện quyết tâm rất cao, không một ý kiến đề xuất khó khăn hay đề nghị thay đổi nhiệm vụ chiến đấu, càng không một ý kiến “bàn ngang”, có chăng chỉ là hỏi thêm cho rõ nhiệm vụ được giao. Bằng kinh nghiệm nhiều năm cầm quân, Chỉ huy trưởng mặt trận cảm thấy đây là một hiện tượng không bình thường, rất đáng quan tâm. Mãi sau này Đại tướng mới biết, một vài chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ được giao cho đơn vị rất nặng, đánh thọc sâu liên tục, vấn đề thương binh, đạn dược giải quyết như thế nào, nhưng lúc đó trước không khí quyết tâm quyết chiến quyết thắng không ai nói ra suy nghĩ của mình. Dù lúc này chưa đồng tình với phương châm đánh nhanh thắng nhanh nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không để lộ suy nghĩ của mình mà chỉ nhắc nhở: “Hiện nay, địch tình chưa có sự thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức theo dõi, một khi có tình hình biến đổi thì kịp thời xử trí”. Đại tướng cần thêm những “căn cứ” cụ thể hơn để củng cố quyết định của mình.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ chỉ huy chiến dịch tại lán chỉ huy. Ảnh tư liệu

Sau khi triển khai kế hoạch tác chiến, một mặt Đại tướng cử cán bộ dưới quyền đi nắm tình hình triển khai nhiệm vụ chiến đấu, mặt khác cử bộ phận theo dõi sát sao mọi biến động của địch từ việc tăng quân số, củng cố công sự… Đồng chí Phạm Kiệt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc đã phát hiện ra việc bố trí pháo của ta ở địa hình tương đối bằng phẳng, nếu bị phản pháo thì thiệt hại sẽ khôn lường. Từ tầm nhìn đó, đồng chí Phạm Kiệt qua điện thoại đã mạnh dạn đề xuất với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cân nhắc lại kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh". Theo Đại tướng, đồng chí Phạm Kiệt “là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.

Gần đến ngày nổ súng, có một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt, có tin địch đã biết kế hoạch tấn công của ta, Đại tướng quyết định hoãn thời gian nổ súng lại 24 giờ. Tính từ lúc phổ biến kế hoạch tới ngày nổ súng đã định (25/1) là 11 ngày đêm, mỗi một ngày trôi qua theo Đại tướng: “Mỗi ngày qua, tôi càng khẳng định là không thể đánh nhanh được”. Đêm 25/1/1954, Đại tướng thức trắng. Sáng 26/1/1954, trải qua 12 ngày đêm suy nghĩ, Đại tướng quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận. Trong khi chờ các đồng chí Đảng ủy đến họp với nắm ngải cứu buộc trên đầu, Đại tướng tới gặp đồng chí Vi Quốc Thanh (Trưởng đoàn cố vấn quân sự của Trung Quốc) nói rõ ý định của mình, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” để đảm bảo được thắng lợi hoàn toàn. Sau khi nghe Đại tướng phân tích, Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Đại tướng.

Cuộc họp Đảng ủy mặt trận sáng hôm đó diễn ra khá căng thẳng. Đại tướng phân tích điểm mạnh của địch so với lúc mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đồng thời chỉ rõ 3 khó khăn của quân ta: Bộ đội chủ lực cho đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm; Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập, vừa qua có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phối hợp như thế nào; Bộ đội từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện, trận đánh diễn ra trên cánh đồng rộng… Tất cả khó khăn này ta chưa có cách giải quyết

Đảng ủy gồm 4 người thì 3 người vẫn giữ ý kiến đánh nhanh. Đại tướng phải nói lại chỉ thị của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Cuối cùng, Đảng ủy mới đi đến nhất trí là trận đánh có thể thất bại nếu không thay đổi phương châm tác chiến, đồng ý rút quân ra, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm mới “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một bài học mẫu mực về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu.

Quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là một quyết định lịch sử, tạo bước ngoặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi hoàn toàn. 56 ngày đêm của chiến dịch (13/3/1954 -  7/5/1954 với 3 đợt tiến công) quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn tại Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), hòa bình lập lại tại Đông Dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Vũ Văn Bắc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.