Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ của người lính tàu không số

09:34, 28/05/2024

Tuổi cao, sức yếu, tay run, mắt mờ, tai phải đeo máy trợ thính, nhưng mỗi khi có anh em đồng đội đến thăm, nhắc chuyện tham gia đoàn tàu không số, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Đích (hiện trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) lại bồi hồi, xúc động nhớ về những năm tháng chiến tranh, đói - đau - đạn - địch, cái sống, cái chết cận kề và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người lính trẻ.

Ông Đích sinh năm 1936 ở Quảng Nam. Thông minh, nhanh nhẹn lại thông thạo địa bàn, có tài ứng biến nên từ khi mới 10 tuổi, ông đã là văn thư, liên lạc của Huyện đội Điện Bàn. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Đích được đưa ra miền Bắc đào tạo thông tin, báo vụ và máy trưởng. Tốt nghiệp ra trường, cuối năm 1957, ông về nhận nhiệm vụ trên một con tàu nhỏ của Cục Phòng thủ bờ biển (nay là Quân chủng Hải quân).

Đầu năm 1960, ông Đích và một số cán bộ, sĩ quan trẻ của Cục Phòng thủ bờ biển được cấp trên giao nhiệm vụ sang Trung Quốc tiếp nhận chiếc tàu gỗ cỡ lớn do Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960). Về đến Việt Nam, tàu Hải Lâm chủ yếu neo đậu, thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cảng Hải Phòng.

Ông Đích bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 8 giờ sáng 15/3/1961, từ Cảng Hải Phòng, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ cùng bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) lên tàu Hải Lâm đi tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Đến cửa phòng khách, thấy sàn tàu sạch bóng, anh em thủy thủ, phục vụ đều đi chân trần, Bác Hồ cũng cúi xuống tháo đôi dép cao su để gọn vào một góc, rồi mới bước vào. Là Chủ tịch nước nhưng Bác rất giản dị, gần gũi với mọi người. Lần ấy, vì tính chất, yêu cầu nhiệm vụ nên tôi chỉ được nhìn Bác từ xa, song vẫn cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Trước lúc chia tay, Bác đề nghị chụp chung với anh em thủy thủ một bức hình để làm kỷ niệm khiến chúng tôi rất bất ngờ, xúc động. Đến nay, nhiều người trong bức ảnh này đã không còn nữa”.

Ông Nguyễn Xuân Đích (thứ hai từ trái sang) và các thủy thủ tàu Hải Lâm chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Gần một năm sau, ngày 22/1/1962, tàu Hải Lâm lần thứ hai vinh dự được đón Bác Hồ và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá German Titov ra vịnh Hạ Long thăm đồng bào, chiến sĩ vùng biển phía đông bắc Tổ quốc. Trưa hôm ấy, trên đường về lại cảng Hải Phòng, ông Đích được cấp trên giao nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ vòng ngoài cho Bác. Thấy ông nói giọng miền trong, Bác ân cần hỏi: “Quê cháu ở đâu?”.

Ông Đích lễ phép trả lời: “Dạ thưa Bác, quê cháu ở Quảng Nam ạ”. Bác ân cần hỏi tiếp: “Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi rồi? Bố mẹ cháu có khỏe không? Đã có vợ con chưa?”. Thế rồi, Bác đặt tay lên vai ông Đích dặn dò: “Cháu còn trẻ, lại thông minh, nhanh nhẹn, có sức khỏe, phải cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân được nhiều hơn nữa. Thiếu tá German Titov mà cháu gặp khi nãy, tuy còn trẻ nhưng đã từng bay vòng quanh trái đất 17 lần, là Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô. Các cháu cần học tập nơi đồng chí Titov những đức tính cao quý, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính kiêm tốn, chí khí kiên quyết, vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Khắc ghi lời dạy của Bác, mấy tháng sau, với mong muốn được trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ông Đích viết đơn xung phong tham gia thực hiện nhiệm vụ trong Đoàn tàu không số.

Rạng sáng 15/5/1963, sau “lễ truy điệu sống” thiêng liêng, xúc động, con tàu không số vỏ sắt, với gần 20 thuyền viên, do ông Đích làm máy trưởng, chở theo 96 tấn sơn pháo, thuốc nổ rời cảng Hải Phòng, rẽ sóng vươn khơi, thẳng hướng Trà Vinh đi tới.

Sau gần 6 ngày lênh đênh trên biển, mờ sáng 21/5/1963, khi chuẩn bị cập bến, con tàu không số bất ngờ bị mắc cạn. Thuyền trưởng ra lệnh cho các thủy thủ bơi vào bờ tìm nơi tránh trú, còn mình và máy phó Võ Ngọc Rôm (quê ở Quy Nhơn, Bình Định) trực tiếp ở lại trông coi, bảo vệ tàu.

Tuy được cấp trên ưu ái cho lên bờ vì bản thân đã có gia đình, vợ con nhưng trên cương vị một máy trưởng, ông Đích vẫn nằng nặc xin ở lại. Ngồi trong hầm máy, mỗi lần phát hiện có tàu lạ tiến lại gần, ông Đích lại căng thẳng theo dõi, nắm chắc mọi di biến động, sẵn sàng khai hỏa kích nổ đánh chìm tàu, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch, không để địch phát hiện ra con đường chiến lược trên biển của quân và dân ta. Cuối cùng, điều xấu nhất đã không xảy đến.

Mỗi chuyến đi là một lần vất vả, hiểm nguy, song bằng sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Đích cùng đồng đội đã vận chuyển thành công hàng trăm chuyến hàng vào miền Nam.

Bức vẽ con tàu không số của ông Nguyễn Xuân Đích.

Đầu năm 1968, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông Đích được điều vào Đà Nẵng tham gia lực lượng tình báo, hoạt động bí mật trong lòng địch. Trước ngày ông lên đường thực hiện nhiệm vụ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, một người đồng hương, người anh thân thiết với gia đình đã đến chia tay, ăn với vợ chồng ông một bữa cơm và gửi tặng con gái ông hai hộp sữa. Nào ngờ, đó cũng là lần cuối cùng họ được gặp nhau. Hôm nghe tin thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội tàu C235 hy sinh anh dũng tại bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), ông Đích vô xùng xót xa, thương tiếc.

Mùa xuân năm 1975, đất nước khải hoàn ca, ông Đích được phân công về làm Phó Giám đốc Xưởng đóng tàu (Cục Kỹ thuật Quân khu 5). Là một máy trưởng dày dạn kinh nghiệm, ông tích cực truyền thụ kinh nghiệm cho các cán bộ, nhân viên dưới quyền, giúp họ từng bước trưởng thành, tiến bộ.

Đầu năm 1992, ông Đích nghỉ hưu theo chế độ. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con gái bị dị tật bẩm sinh, cần người chăm sóc đỡ đần, song khi được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của địa phương, ông vẫn luôn nỗ lực hoàn thành trọng trách được giao. Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông, những bức ảnh Bác Hồ chụp cùng thủy thủ tàu Hải Lâm và cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân, cùng những tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen được bảo quản, giữ gìn rất cẩn thận, kỹ càng, chỉ khi có khách quý đến thăm mới lại mang ra. Nhớ đơn vị, nhớ đồng đội cũ, thi thoảng, ông Đích lại hồi tưởng, vẽ những con tàu không số để gửi tặng mọi người.  

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc