Multimedia Đọc Báo in

Ký ức hào hùng

08:56, 27/05/2024

70 năm đã trôi qua, song với những cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thì khoảng thời gian đặc biệt đó luôn là những kỷ niệm thiêng liêng, là niềm tự hào khi được góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kiên gan vượt núi xuyên rừng

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến tổ dân phố 3, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) để tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Bá Ký (SN 1929). Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, dù sức khỏe không còn được như xưa nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Ký vẫn không giấu được xúc động.

Sinh ra lớn lên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, năm 16 tuổi chàng trai trẻ Nguyễn Bá Ký tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông từng cùng đơn vị chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950 - 1951)… và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy ông được biên chế ở Đại đội 217, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 bộ binh.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Ký kể lại ký ức hào hùng khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm xưa.

Theo mạch nguồn ký ức của người cựu binh, ngày ấy trong quá trình di chuyển, bộ đội ta phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp, với đồi núi cao, dốc lớn, các con đường bí mật xuyên rừng, băng qua nhiều sông, suối. Khó khăn đối với những người lính thời kỳ này chính là điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và những thiếu thốn trong sinh hoạt. Mặc dù phải ăn măng rừng thay cơm, rải lá rừng để ngủ, mọi người vẫn luôn vui vẻ động viên nhau giữ vững ý chí, tinh thần cho trận quyết chiến chiến lược.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng giặc đầu hàng nhưng từ xa nhìn thấy lá cờ của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch, ông Ký vẫn nhớ mãi cảm xúc hân hoan khi đứng giữa tiếng reo hò của toàn quân khi chiến dịch toàn thắng.

“Được tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, được góp một phần công sức trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc là vinh dự, niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Thế hệ chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ luôn ngẩng cao đầu bước tới với một tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình”, ông Ký chia sẻ.

“Thà chết cũng không rời pháo”

Với cựu chiến binh Nguyễn Đình Viên (tổ dân phố 6, phường Thành Nhất) thì những năm tháng chinh chiến đã qua là một phần không thể thiếu khi kể về cuộc đời mình. Vinh dự được có mặt trong đoàn quân tiên phong làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Viên còn mang theo niềm tự hào khi gia đình có ba chiến sĩ đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” ngày ấy.

Đến nay đã ở tuổi 97, nhưng khi kể về trận chiến oai hùng ấy, giọng ông vẫn rành rọt và đầy tự hào, song cũng đầy xúc động mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất này.

Ngày tham gia chiến dịch, ông Viên được biên chế trong Đại đoàn Công pháo 351. Giữ vai trò là Khẩu đội trưởng, nhiệm vụ đầu tiên của ông cùng các đồng đội là bắn vào sân bay Mường Thanh, làm tê liệt cứ điểm này, diệt các cứ điểm pháo binh của địch để bộ binh xung phong đánh vào. Nhiệm vụ tuy vất vả, nguy hiểm nhưng ông và đồng đội đã thắng lợi ngay trong trận đầu tiên, tạo thời cơ thuận lợi cho bộ binh ta tổ chức tiến công tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, đập vỡ tuyến phòng thủ của địch.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Viên (bìa trái) xúc động chia sẻ ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Viên vẫn nhớ như in kỷ niệm kéo pháo vào, kéo pháo ra do thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. “Đối với những người lính pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể nào quên được những chặng đường kéo pháo. Mỗi khẩu pháo cao xạ nặng trên 2 tấn nên phải bố trí khoảng 100 người kéo, rất vất vả. Phải trực tiếp tham gia chiến đấu mới cảm nhận được hết sự ác liệt của trận chiến Điện Biên Phủ. Những khẩu hiệu “Còn người, còn pháo”, “Thà chết cũng không rời pháo” đã trở thành quyết tâm sắt đá của bộ đội lúc bấy giờ. Bom đạn liên tục dội xuống, những ai sống sót trở về là một kỳ tích”, ông Viên bồi hồi nhớ lại.

Trong mạch chuyện về trận đánh hào hùng năm xưa, khi nhắc về đồng đội, người cựu binh giọng chùng xuống, nấc nghẹn: “Chiến trường ác liệt, mưa bom bão đạn, vừa mới đây thôi còn trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau những câu chuyện, kỷ niệm nơi quê nhà nhưng ngoảnh lại thì đồng đội đã hy sinh. Ba anh em tôi may mắn sống sót, còn đồng đội của mình thì mãi nằm lại nơi chiến trường. Các anh đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, gác lại biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão. Thương lắm đồng đội ơi!”.

Thời gian dần trôi xa, những chiến sĩ Điện Biên năm nào đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng ký ức mà họ mang theo vẫn là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc. Và đó cũng là hành trang để thế hệ trẻ bước tới tương lai trong quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc